Sáng ngày 6/7/2022, Viện Địa lí nhân văn đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022, với sự có mặt của toàn thể viên chức và người lao động của Viện Địa lí nhân văn.
Toàn cảnh Hội nghị
TS. Nguyễn Song Tùng - Bí thư Chi Bộ, Viện trưởng đã trình bày “Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022” của Viện.
TS. Nguyễn Song Tùng trình bày báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 đã khẳng định mặc dù có thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cũng như sự chỉ đạo sâu sắc, kịp thời của Chi ủy, Lãnh đạo Viện và sự nỗ lực của toàn thể viên chức và người lao động trong Viện nên Viện Địa lí nhân văn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, các công việc đều hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra, cụ thể là:
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, các đề tài nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia (quỹ Nafosted), cấp Bộ, nhiệm vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2021-2022 và cấp cơ sở năm 2022 đã và đang được triển khai đúng theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, 02 nhiệm vụ thuộc nguồn kinh phí Sự nghiệp bảo vệ môi trường đã nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm đúng hạn, trong đó, nhiệm vụ: “Khảo sát, đánh giá vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn trong bảo vệ môi trường địa phương và đề xuất giải pháp” do TS. Trần Ngọc Ngoạn làm chủ nhiệm đã nghiệm thu đạt loại Xuất sắc.
Viện Địa lí nhân văn đã luôn tích cực đề xuất các đề tài từ các nguồn kinh phí khác, cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, Viện đã được phê duyệt 01 đề tài khoa học độc lập cấp Quốc gia:“Nghiên cứu cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” và 01 đề tài khoa học cấp thành phố Hà Nội “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số”.
Công tác xuất bản cũng được Viện đặc biệt chú trọng, trong 6 tháng đầu năm 2022, Viện đã xuất bản được 3 cuốn sách trong đó có 01 cuốn sách xuất bản quốc tế do cán bộ Viện tham gia soạn thảo hoặc chủ biên, công bố 15 bài tạp chí khoa học trong nước, 04 bài trên kỷ yếu hội thảo Quốc tế và 01 bài kỷ yếu hội thảo trong nước có chỉ số ISBN.
Bên cạnh các thành quả nghiên cứu khoa học, trong 6 tháng đầu năm 2022, các hoạt động nghiệp vụ chức năng khác của Viện như: Tổ chức - cán bộ; Tài chính; Hành chính; Quản lý khoa học; Thư viện, Tạp chí…luôn hoàn thành tốt và đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao.
Báo cáo cũng đã chỉ ra một số hạn chế và giải pháp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 như: năng lực nghiên cứu và trình độ ngoại ngữ của một số cán bộ vẫn khiêm tốn nên cần nghiêm túc và tích cực hơn nữa trong đề xuất các đề tài nghiên cứu và mở rộng hợp tác với các cơ quan trong và ngoài Viện Hàn lâm; nỗ lực nhiều hơn nữa trong rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng nghiên cứu; nâng cao trình độ ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu hội nhập trong nghiên cứu khoa học. Viện cũng kiến nghị Lãnh đạo Viện Hàn lâm xem xét tạo điều kiện cho Viện bổ sung chỉ tiêu biên chế, được tham gia các Chương trình khoa học trọng điểm cấp Bộ, cấp Nhà nước do Viện Hàn lâm chủ trì và tạo điều kiện về cơ sở vật chất như phòng làm việc, hệ thống mạng, máy móc thiết bị... đáp ứng yêu cầu công việc để các viên chức trong Viện yên tâm công tác.
Đại diện các ý kiến phát biểu tại Hội nghị
Sau khi nghe báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Viện, một số cán bộ đại diện các Phòng chuyên môn, Phòng chức năng- nghiệp vụ, Công đoàn, Đoàn thanh niên…của Viện đã phát biểu ý kiến góp ý về các hoạt động của Viện. Các ý kiến cơ bản đều nhất trí với những nhận định, đánh giá được nêu trong Báo cáo sơ kết về những kết quả đạt được, các hạn chế yếu kém, nguyên nhân và những giải pháp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022.
Hội nghị đã kết thúc vào lúc 11h30 cùng ngày./.
Đoàn Thị Thu Hương