Hội thảo khoa học: Những vấn đề mới trong nghiên cứu địa lý kinh tế Việt Nam và thế giới 27/08/2024

   Chiều ngày 27 tháng 8 năm 2024, tại Hội trường 1B, Tòa nhà Khối các Viện Nghiên cứu quốc tế, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, số 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Những vấn đề mới trong nghiên cứu địa lý kinh tế Việt Nam và thế giới. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung năm 2024 của Viện.

        Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Viện cùng toàn thể viên chức Viện Địa lý nhân văn và một số nhà khoa học đến từ Hội Địa lý Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

        Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, chủ trì hội thảo nhấn mạnh: Địa lý kinh tế là một chuyên ngành vừa thuộc kinh tế học ứng dụng vừa thuộc địa lí nhân văn chuyên nghiên cứu về phân bố và tổ chức không gian của các hoạt động kinh tế,  áp dụng các phương pháp nghiên cứu cả của kinh tế học và địa lý học. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của địa lý kinh tế là hệ thống Lãnh thổ - Kinh tế - Xã hội có cấu trúc phức tạp, bao gồm điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội của lãnh thổ liên quan đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người cùng với việc bảo vệ môi trường sống. Nhiệm vụ nghiên cứu của địa lý kinh tế hiện nay là tổ chức nền kinh tế theo lãnh thổ, nghiên cứu các hoạt động thuộc các lĩnh vực lưu thông, phân phối, thông tin, liên lạc, nghỉ ngơi, giải trí… Ở nước ta, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, sự phân bố của các cơ sở sản xuất và các cơ sở nghỉ ngơi trên lãnh thổ bị chi phối mạnh mẽ bởi nhu cầu của thị trường tiêu thụ và không theo sự sắp đặt trước. Kinh tế thị trường của nước ta luôn được sự điều tiết và quản lý của nhà nước. Kiến thức địa lý kinh tế giúp các cán bộ chính quyền các cấp có thể điều tiết, phân bố các cơ sở sản xuất phù hợp với tổng thể Lãnh thổ - Kinh tế - Xã hội, trong đó quan trọng là sự phù hợp với sự cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.

TS. Nguyễn Song Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo đã nghe 04 bài tham luận: “Địa lí kinh tế và kinh tế Địa lí: Một số vấn đề lý luận và ứng dụng nghiên cứucủa  TS. Lê Hồng Ngọc - Viện Địa lý nhân văn; “Trao đổi về Địa lý kinh tế hiện đại” của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khánh - Hội Địa lý Việt Nam; “Tiếp cận nghiên cứu địa lý kinh tế trong bối cảnh mới  của TS. Phạm Thị Trầm; “Ngành thủy sản tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận: Tiềm năng, hiện trạng và định hướng phát triểncủa TS. Trần Thị Hồng Nhung - Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Nội trình bày.

TS. Lê Hồng Ngọc trình bày

tham luận tại Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khánh trình bày tham luận tại Hội thảo

TS. Phạm Thị Trầm trình bày

tham luận tại Hội thảo

TS. Trần Thị Hồng Nhung trình bày

 tham luận tại Hội thảo

        Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và làm rõ nhiều vấn đề có tính lý luận và ứng dụng thực tiễn về địa lí kinh tế học và kinh tế địa lí học, đối tượng nghiên cứu và các xu hướng nghiên cứu của địa lí kinh tế trong bối cảnh mới cũng như các vấn đề liên quan. Các đóng góp thực tiễn của các nghiên cứu địa lý kinh tế ở ngoài nước như: mô hình vành đai – con đường, phân vùng chức năng, phát triển kinh tế vùng và các vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, toàn cầu hoá và thương mại quốc tế, phát triển các cực tăng trưởng,… cũng được thảo luận. Đây chính là một trong những cơ sở thực tiễn để định hướng nghiên cứu địa lý kinh tế tại Việt Nam trong thời gian tới.

        Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn đánh giá cao chất lượng hội thảo và hy vọng các thông tin thảo luận từ hội thảo sẽ gợi mở các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực địa lí kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, Viện trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong đánh giá, rà soát lại các nghiên cứu đã thực hiện tại Viện trong thời gia qua; áp dụng triệt để các phương pháp và tiếp cận nghiên cứu được sử dụng trong và ngoài nước trong triển khai các đề tài khoa học thuộc lĩnh vực địa lý kinh tế trong thời gian tới./.

Nguyễn Thị Sáu An