Hội thảo Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới: Chính sách và giải pháp thực hiện. 09/08/2024

        Trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ cấp bộ năm 2024 thuộc nguồn sự nghiệp môi trường Truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người lao động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Năm 2024: Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên)”, chiều ngày 08/8/2024, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Viện Địa lý nhân văn tổ chức Hội thảo “Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới- Chính sách và giải pháp thực hiện”.

 

TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn phát biểu khai mạc tại Hội thảo

TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn phát biểu khai mạc tại Hội thảo

        Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn; Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà; Ông Đỗ Tiến Thành, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ- Nghiên cứu, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long; PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm, Quyền Giám đốc Nhà xuất bản KHXH; TS. Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học; PGS.TS. Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Ông Vũ Văn Vân, Trưởng phòng Khoa học, Ban quản lý Vườn Quốc gia Cát Bà; Bà Mai Thị Trang, Phòng Nghiệp vụ- nghiên cứu Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cùng các cán bộ, chuyên viên Trung tâm truyền thông môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường và toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Viện Hàn lâm.

 

Bà Mai Thị Trang, Phòng Nghiệp vụ- nghiên cứu  Ban Quản lý Vịnh Hạ Long trình bày Báo cáo đầu tiên tại Hội thảo

Bà Mai Thị Trang, Phòng Nghiệp vụ- nghiên cứu Ban Quản lý Vịnh Hạ Long trình bày Báo cáo đầu tiên tại Hội thảo

        Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long- quần đảo Cát Bà là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế, tạo ra lợi ích kinh tế hàng năm không nhỏ cho địa phương và cả nước thông qua việc cung cấp những trải nghiệm du lịch tổng thể và đặc sắc về tự nhiên, văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại khu vực này sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, về các chính sách và giải pháp thực hiện bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên thế giới nói chung và vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà nói riêng.

        Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Viện Địa lý nhân văn, TS. Nguyễn Song Tùng nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Đồng thời nhấn mạnh, giá trị của di sản thiên nhiên có ý nghĩa vượt khỏi ranh giới quốc gia và có ý nghĩa chung đối với nhân loại, do đó việc bảo vệ di sản thiên nhiên, bao gồm các điều kiện về tính toàn vẹn và/ hoặc tính xác thực của di sản được duy trì hoặc tăng cường theo thời gian, có tầm quan trọng cao nhất đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là giá trị của di sản thiên nhiên được xem là căn cứ cho việc bảo vệ và quản lý hiệu quả tài sản trong tương lai.

        Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Song Tùng cho hay, di sản thiên nhiên không chỉ có giá trị về địa lý và lịch sử, di sản thiên nhiên còn là một nguồn tài nguyên vô giá với các giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, môi trường, kinh tế, xã hội cùng nhiều giá trị khác có thể được lượng giá và khai thác để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội bền vững của các quốc gia, đồng thời đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Viện trưởng Nguyễn Song Tùng cũng phân tích khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị di sản thiên nhiên tại Việt Nam, đó chính là nhận thức về mối quan hệ giữa di sản thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững của người dân và các cấp chính quyền còn hạn chế. Qua đó cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên giúp mọi người hiểu được đầy đủ giá trị của di sản thiên nhiên và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên hướng tới tạo sự thống nhất  trong nhận thức và chuyển biến thành hành động là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.

 

Ông Vũ Văn Vân - Trưởng phòng Khoa học, Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà trình bày Báo cáo thứ hai tại Hội thảo

Ông Vũ Văn Vân - Trưởng phòng Khoa học, Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà trình bày Báo cáo thứ hai tại Hội thảo

        Hội thảo nhận được 03 bài tham luận, các diễn giả (Bà Mai Thị Trang, Ông Vũ Văn Vân và TS. Phạm Thị Trầm, Chủ nhiệm Nhiệm vụ, Viện Địa lý nhân văn) đã trình bày các nội dung về thực trạng bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại khu vực Vịnh Hạ Long; Vai trò của Vườn quốc gia Cát Bà trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới và giải pháp thực hiện; Một số nội dung về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trên thế giới và trường hợp bảo tồn di sản thiên nhiên rạn san hô Great Barrier (Úc).

        Nhận định về những khó khăn và thách thức trong việc bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại khu vực Vịnh Hạ Long, Bà Mai Thị Trang cho rằng, nhận thức cộng đồng còn hạn chế, vi phạm quy định về neo đậu phương tiện, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trái phép, xả chất thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường; môi trường biển trải rộng với hàng ngàn đảo đá, chế độ hải văn phức tạp. Khu vực ven bờ vịnh Hạ Long tiếp giáp với nhiều địa phương có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ, trên vịnh là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế- xã hội phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như: du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản, giao thông cảng biển… đã tạo ra nhiều sức ép đa chiều đối với công tác bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, một số thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản còn thiếu hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể: Quản lý di sản liên tỉnh, vừa là Di sản thế giới, di tíc quốc gia đặc biệt, vừa là khu rừng đặc dung bảo vệ cảnh quan.

        Bàn luận về giải pháp ưu tiên tiếp tục thực hiện bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới, ông Vũ Văn Vân cho biết cần bảo tồn làm công cụ để phát triển kinh tế- xã hội; phát triển kinh tế để nâng cao hiệu quả bảo tồn; quan tâm đến cơ chế chính sách; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế- xã hội; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ giá trị di sản; cần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý di sản.

TS. Phạm Thị Trầm, Chủ nhiệm Nhiệm vụ, Viện Địa lý nhân văn trình bày Báo cáo thứ ba tại Hội thảo

TS. Phạm Thị Trầm, Chủ nhiệm Nhiệm vụ, Viện Địa lý nhân văn trình bày Báo cáo thứ ba tại Hội thảo

        Theo TS. Phạm Thị Trầm, bài học thành công trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên rạn san hô Great Barrier (Úc) đó chính là quản trị và hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Úc, chính quyền Queensland, cộng đồng địa phương và các bên có liên quan khác trong các khuôn khổ quản lý bảo tồn rạn san hô; lập kế hoạch và cam kết dài hạn để bảo vệ đa dạng sinh học, cho phép tiếp cận toàn diện trong quản lý và giải quyết các mối đe dọa ngắn hạn và dài hạn; sự tham gia và giáo dục của cộng đồng trong các nỗ lực bảo tồn nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn và khuyến khích các sáng kiến do cộng đồng khởi xướng…

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

        Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận. Các đại biểu đánh giá cao tầm quan trọng của Nhiệm vụ trong việc khẳng định vai trò và trách nhiệm của Viện Hàn lâm trong công tác bảo vệ môi trường hướng tới việc cụ thể hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững của đất nước, cùng với đó là những chia sẻ về trách nhiệm, chủ thể, vùng khai thác, hoạt động kinh tế có trách nhiệm...

Toàn thể các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Toàn thể các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

        Đặc biệt là, việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người lao động Viện Hàn lâm trong thay đổi nhận thức, hành vi, tạo sức lan tỏa xã hội về bảo vệ môi trường mà còn cung cấp khối lượng lớn kiến thức cơ bản về di sản thiên nhiên, các thách thức đặt ra và những giải pháp, yêu cầu đối với bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên. Qua đó, người lao động trong Viện sẽ được làm giàu thêm kiến thức, thực hiện tốt hơn vai trò tư vấn chính sách và thực hiện chức năng tham mưu, phản biện, đóng góp cơ sở khoa học trong phát triển chung của đất nước.

TS. Nguyễn Song Tùng, TS. Phạm Thị Trầm chụp ảnh lưu niệm cùng với các đại biểu Ban Quản lý Vịnh Hạ Long<br>và Vườn Quốc gia Cát Bà

TS. Nguyễn Song Tùng, TS. Phạm Thị Trầm chụp ảnh lưu niệm cùng với các đại biểu Ban Quản lý Vịnh Hạ Long
và Vườn Quốc gia Cát Bà

        Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, những trao đổi, thảo luận của các đại biểu sẽ là nguồn tư liệu quí báu giúp các nghiên cứu viên, cán bộ trẻ Viện Hàn lâm gợi mở thêm nhiều hướng nghiên cứu liên quan đến chủ đề hội thảo, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào lĩnh vực đào tạo, tư vấn chính sách. Qua đó góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguyễn Thu Trang

 

Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Hoi-thao-Bao-ve-moi-truong-di-san-thien-nhien-the-gioi-Chinh-sach-va-giai-phap-thuc-hien-1562