Hội thảo khoa học: Địa lý lịch sử - Tiếp cận phương pháp và những vấn đề nghiên cứu 02/07/2024

   Sáng ngày 2 tháng 7 năm 2024, tại Hội trường 1B, số 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Địa lý lịch sử - Tiếp cận phương pháp và những vấn đề nghiên cứu”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung năm 2024 của Viện Địa lý nhân văn nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trao đổi, thảo luận và chia sẻ các cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và các chủ đề nghiên cứu về địa lý lịch sử trên thế giới và Việt Nam; làm rõ những đóng góp quan trọng của địa lý lịch sử trên phương diện lý luận và thực tiễn, đồng thời gợi mở những vấn đề đặt ra cần giải quyết dưới góc độ địa lý lịch sử.

        Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Viện cùng toàn thể viên chức Viện Địa lý nhân văn, các nhà khoa học đến từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo như Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Thăng Long, Hội Đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Hội Địa lý Việt Nam, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Trung Quốc.

Toàn cảnh Hội thảo

        Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, chủ trì hội thảo nhấn mạnh: Địa lý lịch sử là một chuyên ngành của địa lý nhân văn, nghiên cứu sự biến đổi về mặt không gian theo thời gian của các sự vật hiện tượng xảy ra trên bề mặt Trái Đất. Sự biến đổi của các sự vật - hiện tượng diễn ra dưới tác động của nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp và gián tiếp của con người nhằm tạo ra sự thay đổi theo ý muốn con người, hoặc những biến đổi dưới các tác động tổng hợp của yếu tố tự nhiên và các yếu tố liên quan đến con người. Địa lý lịch sử không chỉ giới hạn trong việc tái hiện bức tranh bề mặt Trái Đất trong quá khứ đến hiện tại mà còn phân tích các yếu tố và quá trình đã định hình nên những biến đổi đó. Địa lý lịch sử là một lĩnh vực đa ngành, đòi hỏi sự vận dụng của các lý thuyết và phương pháp của khoa học lịch sử, khoa học địa lý và các ngành khoa học khác có liên quan đến đối tượng nghiên cứu.

TS. Nguyễn Song Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo

        Hội thảo đã được nghe 04 bài tham luận: “Địa lý lịch sử về các cửa biển Việt Nam: tiếp cận liên ngành” của PGS.TS. Trần Trọng Dương, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội; “Nha Trang - Khánh Hòa: Tiềm năng và những đặc trưng con người văn hóa” của GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; “Biến đổi cảnh quan văn hóa trên đảo Bạch Long Vĩ - Tiếp cận địa lý lịch sử” của ThS. Lê Văn Hà, Viện Địa lý nhân văn; và tham luận “Một số nghiên cứu địa lý lịch sử từ góc độ liên ngành” của TS. Nguyễn Quang Anh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Các nhà khoa học trình bày tham luận tại Hội thảo

        Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận và làm rõ nhiều vấn đề về khoa học địa lý, cách tiếp cận địa lý lịch sử hay địa lý học lịch sử, sự giống nhau và khác nhau về đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu giữa địa lý lịch sử và địa lý học lịch sử, quan điểm nghiên cứu và giảng dạy lịch sử phải được xem xét trong một bối cảnh chung được gọi là không gian địa lý, không gian văn hóa,... Những khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu địa lý lịch sử hiện nay.

 

Các nhà khoa học phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội thảo

        Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn đánh giá cao chất lượng hội thảo và hy vọng các vấn đề thảo luận từ hội thảo sẽ gợi mở các hướng nghiên cứu mới về địa lý lịch sử cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai và mở rộng phạm vi nghiên cứu về địa lý lịch sử nói riêng, địa lý nhân văn nói chung ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Sáu An