Ngày 15-16/11/2022, tại hội trường 1B, số 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Viện Địa lí nhân văn đã tổ chức nghiệm thu hệ đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2022. Các Hội đồng nghiệm thu đã làm việc nghiêm túc, khách quan và khẩn trương trong quá trình nghiệm thu hệ đề tài; kết quả, đánh giá chung cho thấy: các đề tài đều được thực hiện đúng tiến độ và đạt chất lượng. Đây là động lực thúc đẩy, khích lệ cho sự thành công hơn của hệ đề tài khoa học cấp cơ sở của Viện Địa lí nhân văn sẽ được thực hiện trong năm 2023.
Hội đồng nghiệm thu
1. Đề tài: Đánh giá khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái - xã hội tại xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Huyền Thu
Thành viên tham gia: ThS. Cao Thị Thanh Nga
ThS. Nguyễn Thị Ngọc
Xã Đoàn Kết là một xã miền núi điển hình của huyện Đà Bắc, địa hình chia cắt và chịu nhiều tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trên địa bàn xã có Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh với những giá trị quan trọng của hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Để làm rõ các tác động của biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái - xã hội và tìm ra được giải pháp ứng phó phù hợp cho địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng đến việc quản lý bảo vệ nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng và công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu cho cả khu vực nói chung.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: (1) Phân chia hệ sinh thái - xã hội khu vực nghiên cứu thành các tiểu vùng; (2) Đánh giá tác động của BĐKH đến hệ sinh thái - xã hội khu vực nghiên cứu theo từng tiểu vùng; (3) Đánh giá khả năng chống chịu của hệ sinh thái - xã hội khu vực nghiên cứu theo từng tiểu vùng; (4) Định hướng giải pháp ứng phó dựa trên hệ sinh thái cho từng tiểu vùng sinh thái - xã hội.
Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu: Đề tài sử dụng 3 cách tiếp cận (Cách tiếp cận liên ngành; Cách tiếp cận kết hợp dưới lên (bottom up) - trên xuống (top down); Cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái) và sử dụng 3 phương pháp nghiên cứu, bao gồm: phương pháp thu thập, phân tích, tổng hợp số liệu thứ cấp; phương pháp khảo sát thực địa, thu thập thông tin, số liệu sơ cấp (thông qua điều tra xã hội học và đánh giá nhanh có sự tham gia); phương pháp bản đồ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biểu hiện của biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn với cường độ và tần suất khá lớn, hiện tượng thiên tai thường thấy là bão, lụt, sạt lở… Đề tài đã phân chia hệ sinh thái xã hội xã Đoàn Kết thành 3 tiểu vùng: (i) Tiểu vùng bảo vệ và nâng cao giá trị ĐDSH phía Tây - Tiểu vùng 1, (ii) Tiểu vùng phát triển kinh tế khu vực trung tâm – Tiểu vùng 2, (iii) Tiểu vùng phát triển kinh tế lâm nghiệp phía Đông - Tiểu vùng 3. Kết quả tính toán cho thấy, hệ sinh thái xã hội của xã Đoàn Kết có khả năng chống chịu ở mức trung bình, trong đó Tiểu vùng 2 cao hơn Tiểu vùng 1 và 3, Tiểu vùng 3 có khả năng chống chịu thấp nhất trong 3 tiểu vùng.
Từ các kết quả nghiên cứu, đề tài đã đưa ra 3 định hướng để đề xuất giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu: (i) Các giải pháp tập trung làm giảm các áp lực lên hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như tài nguyên thiên nhiên của khu vực; (ii) Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan, tăng cường công tác quản trị, xây dựng năng lực ứng phó và nâng cao nhận thức cộng đồng trong ứng phó biến đổi khí hậu; (iii) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, đảm bảo an sinh xã hội. Trên cơ sở định hướng này, đề tài đã đề xuất giải pháp chung đối với xã Đoàn Kết và các giải pháp riêng cho từng tiểu vùng sinh thái nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.
Kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu tham khảo cho chính quyền địa phương về khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái xã hội, là cơ sở trong lập kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu để giảm thiểu tác động cho người dân xã Đoàn Kết.
Đề tài được Hội đồng xếp loại Xuất sắc với số điểm trung bình 93/100.
Cao Thị Thanh Nga
2. Đề tài: Trách nhiệm xã hội về môi trường của doanh nghiệp khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Hà Nam
Chủ nhiệm đề tài: TS. Đoàn Thị Thu Hương
Thành viên tham gia: ThS. Lê Văn Hà
ThS. Mai Hải Linh
Trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp (DN) đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và cộng đồng. Thực hiện TNXH sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và toàn xã hội. Xuất phát từ thực tế huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, trong quá trình khai thác tài nguyên, nhiều DN chưa thực hiện tốt TNXH của mình, dẫn tới ô nhiễm môi trường, thay đổi môi trường văn hóa, xã hội cả tích cực lẫn tiêu cực, vì thế, vấn đề thực hiện TNXH của các DN khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn nhằm giảm thiểu xung đột giữa lợi ích kinh tế và môi trường, xã hội trở nên vô cùng cấp thiết.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm: (1) Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn về TNXH về môi trường của doanh nghiệp; (2) Phân tích thực trạng thực hiện TNXH về môi trường của các DN khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Hà Nam; (3) Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy TNXH về môi trường của các DN khai thác, chế biến đá VLXD trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
Đề tài sử dụng 3 cách tiếp cận: Tiếp cận đa cấp độ, đa chủ thể; Tiếp cận phát triển bền vững và tiếp cận thể chế nhằm góp phần đánh giá toàn diện tình hình thực hiện TNXH về môi trường của doanh nghiệp và các yếu tố tác động tới tình hình thực hiện TNXH về môi trường của DN khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng bao gồm: phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu thứ cấp và phương pháp điều tra xã hội học thông qua phỏng vấn sâu 31 khách thể (chủ DN, công nhân, người dân địa phương, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội xã và thôn nơi DN đặt trụ sở hoặc khai thác tài nguyên) và quan sát thực địa để đánh giá các hoạt động sản xuất thực tế của DN và các hoạt động thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của DN.
Kết quả nghiên cứu: đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện TNXH về môi trường của các DN khai thác, chế biến đá VLXD trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 44 DN đầu tư vào khai thác, chế biến đá VLXD thông thường, 5 DN sản xuất xi măng. Các DN đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, tạo việc làm trên địa bàn huyện Thanh Liêm và tỉnh Hà Nam. Song, bên cạnh đóng góp về kinh tế, các DN khai thác, chế biến khoáng sản VLXD đã phát thải một lượng bụi, khí nhà kính vào môi trường, gây tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài trong nhiều năm. Tình hình thực hiện TNXH về môi trường của các DN đã có sự cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây khi các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã đầu tư công nghệ hiện đại của các nước phát triển (Đan Mạch, Đức, Nhật) để nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống phát điện nhiệt dư và vận hành thường xuyên hệ thống bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành, vận chuyển. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN đặc biệt là các DN khai thác, chế biến đá VLXD chưa thực hiện tốt TNXH về môi trường.
Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đã đưa ra một số nhóm giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện TNXH doanh nghiệp nói chung và TNXH về môi trường nói riêng của các DN khai thác, chế biến đá VLXD như tuyên truyền nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường kiểm tra giám sát, đầu tư tài chính, áp dụng khoa học công nghệ… cùng với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội và cộng đồng.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm trung bình 88,4/100.
Mai Hải Linh
3. Đề tài: Nghiên cứu xung đột môi trường tại một số làng nghề trên địa bàn huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh
Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Đình Đáp
Thành viên tham gia: ThS. Nguyễn Thị Thu Hà
ThS. Phùng Ngọc Bảo Anh
NCVC. Nguyễn Ngọc Trí
Huyện Yên Phong có 13 làng nghề trong đó nổi bật là các làng nghề đúc nhôm Mẫn Xá và thu mua phế liệu Quan Độ (xã Văn Môn) với quy mô lớn nhất miền Bắc. Sự phát triển các làng nghề kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân làng nghề và những người dân sống ở vùng lân cận khiến nảy sinh các xung đột. Vì vậy cần thiết phải nhận diện và quản lý tốt những xung đột môi trường (XĐMT) trong khi vẫn duy trì hiệu quả sự tồn tại và phát triển của làng nghề.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: (1) Làm rõ cơ sở lý luận về XĐMT làng nghề; (2) Làm rõ hiện trạng XĐMT tại một số làng nghề trên địa bàn huyện Yên Phong; (3) Đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả XĐMT tại một số làng nghề trên địa bàn huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Đề tài sử dụng 2 phương pháp nghiên cứu gồm: phương pháp phân tích, tổng hợp tư liệu và phương pháp điều tra xã hội học. Đề tài đã tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi đối với 120 hộ dân tại 2 làng nghề Mẫn Xá và Quan Độ nhằm tìm hiểu thực trạng những vấn đề môi trường, thực trạng công tác quản lý môi trường làng nghề tại địa phương; nguy cơ XĐMT giữa các đối tượng, giữa các địa phương hiện nay.
Kết quả nghiên cứu cho thấy XĐMT vẫn đang tồn tại phổ biến trong làng nghề Mẫn Xá. Biểu hiện xung đột giữa các hộ làm nghề và không làm nghề chiếm tỷ lệ cao nhất (58,3%); tiếp theo là xung đột giữa người dân và chính quyền (48,3%), thấp nhất là xung đột giữa các hộ làm nghề với nhau (31,7%). Tại thôn Quan Độ, tỷ lệ các dạng XĐMT cũng tương đồng với Mẫn Xá, cao nhất giữa các hộ làm nghề và không làm nghề (chiếm 61,7%); thấp nhất là giữa huyện này với huyện khác (28,3%) (do xã Văn Môn là địa bàn tiếp giáp với nhiều địa phương khác của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hà Nội nên cũng xảy ra tình trạng XĐMT giữa các địa phương với nhau). Nguyên nhân gây ra XĐMT chủ yếu do sự bức xúc về ô nhiễm môi trường do hoạt động làng nghề gây ra, thiếu sự tham gia góp ý kiến của cộng đồng, bất đồng trong quan điểm sản xuất và những vấn đề môi trường.
Đề tài đã đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm quản lý xung đột môi trường làng nghề huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh như sau:
Các giải pháp tổng thể gồm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất trong khu dân cư của làng nghề di chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề tập trung; giải pháp về công nghệ sản xuất hạn chế ô nhiễm và xử lý hiệu quả chất thải; truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cơ sở sản xuất trong làng nghề thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường, giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm các quy định, quy chế của làng nghề và pháp luật bảo vệ môi trường.
Các giải pháp cụ thể: Huyện Yên Phong cần đẩy nhanh tiến độ xử lý chất thải làng nghề; tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe nhân dân, yêu cầu 100% cơ sở sản xuất phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo đúng quy định; giải quyết được mâu thuẫn giữa chủ đầu tư cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá với các hộ làm nghề, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp với thực tiễn.
Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo đối với công tác quản lý môi trường, quản lý XĐMT làng nghề tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, hoặc cho công tác giảng dạy, nghiên cứu về quản lý môi trường, quản lý xung đột môi trường nói chung.
Đề tài được Hội đồng xếp loại Khá với số điểm trung bình 88,4/100.
Nguyễn Thị Thu Hà
4. Đề tài: Nghiên cứu biến đổi ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái qua sử dụng ảnh viễn thám
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đặng Thành Trung
Thành viên tham gia: ThS. Lê Thu Quỳnh
CN Nghiêm Văn Khoa
Ruộng bậc thang (RBT) ở Mù Cang Chải không chỉ là nguồn sinh kế cơ bản của đồng bào nơi đây mà còn là cảnh quan nông nghiệp kỳ vĩ có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố tự nhiên, xã hội, tập quán canh tác RBT cũng như diện tích RBT có nhiều biến đổi. Viễn thám là một công cụ hiện đại đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nghiên cứu về sự biến động tài nguyên do việc sử dụng ảnh viễn thám có thể rút ngắn được thời gian, tiết kiệm nhân lực và kinh phí.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: (1) Làm rõ một số vấn đề ứng dụng viễn thám trong nghiên cứu biến đổi ruộng bậc thang; (2) Làm rõ thực trạng biến đổi ruộng bậc thang dưới sự trợ giúp của ảnh viễn thám; (3) Đề xuất một số giải pháp quản lý ruộng bậc thang qua sử dụng ảnh viễn thám.
Đề tài sử dụng 3 cách tiếp cận để nghiên cứu: tiếp cận hệ thống, tiếp cận theo hướng địa lý và tiếp cận phát triển bền vững.
Để thực hiện nghiên cứu, đề tài sử dụng 3 phương pháp chính là phương pháp tổng hợp và phân tích số liệu; phương pháp khảo sát thực địa; phương pháp bản đồ, viễn thám và GIS để xây dựng các bản đồ hiện trạng tại các thời điểm khác nhau đồng thời so sánh hiện trạng RBT giữa các thời điểm nghiên cứu.
Đề tài đã đi sâu phân tích thực trạng và sự biến đổi của ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải. Trên cơ sở phân tích điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội, hiện trạng ruộng bậc thang của huyện, đề tài đã xây dựng bản đồ hiện trạng RBT qua các năm 2005, 2010, 2015, 2020; các bản đồ biến động RBT qua các giai đoạn nghiên cứu. Từ đó, đề tài phân tích được sự biến đổi về diện tích RBT qua các giai đoạn 2005 -2010, 2010 - 2015, 2015 - 2020; chỉ ra được sự biến đổi về sử dụng đất trong canh tác RBT thông qua các tiêu chí: giống cây trồng, cách chăm sóc bảo vệ, cách tưới tiêu sử dụng nước, thu hoạch, tổ chức sản xuất, trong nghi lễ liên quan đến canh tác ruộng bậc thang… Đề tài cũng đưa ra các nguyên nhân sự biến đổi ruộng bậc thang như: từ các yếu tố chính sách, kinh tế, xã hội, biến đổi khí hậu.
Từ những kết quả phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân biến đổi RBT cũng như sự phát triển của RBT trong bối cảnh biến đổi khí hậu; bối cảnh bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt RBT, đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm phục vụ công tác quản lý và bảo tồn RBT như hoàn thiện quy hoạch đất đai, mở rộng sản xuất; Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và dịch vụ; Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn; Bảo tồn và phát huy giá trị của RBT; Tăng cường ứng dụng GIS và viễn thám trong quản lý RBT.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm trung bình 87,8/100.
Lê Thu Quỳnh
5. Đề tài: Nghiên cứu biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đinh Thị Lam
Thành viên tham gia: ThS. Nguyễn Thị Hòa
ThS. Nguyễn Thị Bích Hạnh
Thạch Thành là huyện nông thôn, miền núi phía bắc của tỉnh Thanh Hóa. Trong bối cảnh đô thị hóa, cảnh quan văn hóa nông thôn huyện Thạch Thành đang phải đối mặt với một số vấn đề như: cảnh quan thiên nhiên thay đổi; kiến trúc nhà ở, làng, bản truyền thống bị thay thế; tập quán canh tác cũng như lối sống của người dân bị biến đổi; việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống chưa được quan tâm; không có định hướng kiến trúc cho cảnh quan văn hóa nông thôn, dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn. Chính vì vậy, thực hiện đề tài “Nghiên cứu biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới” nhằm đưa ra một số đề xuất gợi ý về bảo tồn và phát triển cảnh quan văn hóa nông thôn phù hợp với địa phương.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: (1) Phân tích một số vấn đề lý luận về biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới; (2) Phân tích thực trạng biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh xây dựng NTM; (3) Đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát triển cảnh quan văn hóa nông thôn ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, đề tài đã sử dụng cách tiếp cận tổng hợp, tiếp cận hệ thống, tiếp cận kiến trúc cảnh quan nông thôn và tiếp cận liên ngành để xem xét vấn đề nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng bao gồm: phương pháp thu thập và xử lý tài liệu thứ cấp, phương pháp nghiên cứu thực địa và phương pháp chuyên gia.
Đề tài đã đi sâu vào phân tích thực trạng biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: Về cảnh quan văn hóa nông thôn của huyện Thạch Thành trước khi triển khai chương trình Xây dựng nông thôn mới (thời điểm từ năm 2000 đến trước năm 2012) và những biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn ở huyện Thạch Thành sau khi triển khai thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới (từ năm 2012 đến năm 2022) theo chiều hướng tích cực như: cảnh quan tự nhiên được đầu tư đưa vào khai thác phát triển du lịch; khu vực sản xuất nông nghiệp được bố trí tập trung nên thuận lợi cho việc áp dụng máy móc hiện đại đã làm giảm sức lao động cho người dân; hạ tầng cơ sở xã hội như điện, đường, trường, trạm... được nâng cấp... do đó tình hình kinh tế được cải thiện, đời sống vật chất của người dân nâng cao. Tuy nhiên, còn một số vấn đề đặt ra như: cảnh quan văn hóa nông thôn đã bị biến đổi bởi sự xuất hiện các nhà cao tầng, khu đô thị, liền kề, các ngôi nhà với nhiều kiến trúc khác nhau được xây dựng lộn xộn. Tình trạng bê tông hóa, thu hẹp khoảng diện tích sân vườn, diện tích chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, môi trường nông thôn bị ô nhiễm. Mật độ các điểm dân cư không đều, phân bố tập trung theo dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, gần các cụm – khu công nghiệp dẫn đến tình trạng khó kiểm soát cho các nhà quản lý, tệ nạn xã hội ra đời… Các yếu tố tác động làm biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn như chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM; quy hoạch xây dựng nông thôn; quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa; nhận thức, ý thức của người dân và chính quyền địa phương cũng được đưa ra phân tích cụ thể.
Từ những kết quả phân tích, đánh giá thực trạng biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn ở huyện Thạch Thành trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, đề tài đã đưa ra quan điểm, định hướng và đề xuất một số giải pháp về bảo tồn (bảo tồn cảnh quan rừng tự nhiên, bảo tồn cảnh quan di tích, bảo tồn các giá trị cảnh quan văn hóa của dân tộc Mường) và phát triển cảnh quan văn hóa nông thôn (quy hoạch lại cảnh quan văn hóa, xây dựng chính sách phát triển cảnh quan văn hóa nông thôn bền vững, xã hội hóa trong xây dựng và phát triển cảnh quan văn hóa nông thôn, xây dựng và giữ gìn cảnh quan văn hóa nông thôn trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới) ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm trung bình 85,8/100.
Nguyễn Thị Hòa
6. Đề tài: Sự tham gia của ngành du lịch Việt Nam trong chuỗi giá trị du lịch toàn cầu
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Lê Hồng Ngọc
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia, khu vực và toàn cầu trên nhiều phương diện như đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội, tăng nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu tại chỗ, tạo công ăn việc làm... đặc biệt là hiệu ứng lan tỏa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhờ vào mạng lưới liên kết sâu rộng với gần như tất cả các ngành kinh tế khác. Thâm nhập vào các thị trường du lịch khu vực và toàn cầu thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị du lịch là một hướng đi chiến lược của ngành du lịch Việt Nam nhằm khai thác những tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, cải thiện khả năng cạnh tranh và nâng cao vị thế của ngành và quốc gia. Việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu đem lại cho ngành du lịch Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt, trong bối cảnh nhiều biến động dưới tác động của dịch bệnh và tầm ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0. Xuất phát từ lý do trên, đề tài “Sự tham gia của ngành du lịch Việt Nam trong chuỗi giá trị du lịch toàn cầu” được thực hiện.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: (1) Góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về sự tham gia chuỗi giá trị du lịch toàn cầu của ngành du lịch Việt Nam; (2) Phân tích thực trạng tham gia chuỗi giá trị du lịch toàn cầu của ngành du lịch Việt Nam và (3) Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả tham gia chuỗi giá trị du lịch toàn cầu đối với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu: Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, đề tài sử dụng kết hợp cách tiếp cận kinh tế vĩ mô trong nghiên cứu ngành du lịch Việt Nam với tư cách là một chủ thể tham gia chuỗi giá trị du lịch toàn cầu; cách tiếp cận hội nhập kinh tế quốc tế trong nghiên cứu quá trình liên kết giữa ngành du lịch Việt Nam với các ngành kinh tế và nền kinh tế khác khi tham gia chuỗi giá trị du lịch toàn cầu; cách tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu và cách tiếp cận thương mại giá trị gia tăng trong nghiên cứu thực trạng giá trị gia tăng và liên kết của ngành du lịch Việt Nam trong chuỗi giá trị du lịch toàn cầu. Đề tài sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu như phân tích và tổng hợp tài liệu thứ cấp, phương pháp phân tích kinh tế chuỗi giá trị dựa trên đầu vào – đầu ra, phương pháp tổng hợp và so sánh, phương pháp phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức.
Kết quả nghiên cứu của đề tài:
Đề tài đã phân tích thực trạng tham gia chuỗi giá trị du lịch toàn cầu của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2015 -2021 thông qua các ngành đặc trưng có liên quan đến du lịch gồm ngành khách sạn và nhà hàng; ngành vận tải hàng không; ngành dịch vụ công cộng, xã hội và cá nhân; ngành dịch vụ hỗ trợ, phụ trợ vận tải và hoạt động của các đại lý lữ hành thông qua các chỉ số đầu ra từ phía cung ứng và tiêu dùng, mức độ tham gia chuỗi giá trị từ liên kết ngược và liên kết xuôi, lợi thế so sánh hiện hữu dựa trên giá trị xuất khẩu và lợi thế so sánh dựa trên giá trị gia tăng trực tiếp trong giá trị xuất khẩu của 4 ngành được lựa chọn, từ đó, chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị du lịch toàn cầu, cụ thể: Ngành du lịch Việt Nam có điểm mạnh là cơ cấu các ngành đặc trưng ít biến động và có tốc độ khôi phục nhanh, tuy nhiên, hạn chế của ngành du lịch Việt Nam là sự phụ thuộc ngày càng tăng vào giá trị gia tăng nước ngoài dẫn đến xu hướng dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài.
Từ phân tích bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu và định hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam, đề tài đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với ngành du lịch Việt Nam. Cụ thể, (1) ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách khôi phục tăng trưởng du lịch nội địa, khai thác tối đa các lợi thế nội địa sẵn có; (2) Việt Nam cần xác định lại các thị trường tiêu dùng chủ lực của các ngành đặc trưng liên quan đến du lịch; (3) Cơ cấu lại các ngành trong đó có ngành du lịch để tận dụng lợi thế so sánh.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm trung bình 85,4/100.
Đoàn Thị Thu Hương
7. Đề tài: Phát triển du lịch xanh ở huyện đảo Cô Tô tỉnh Quảng Ninh: Thực trạng và giải pháp
Chủ nhiệm đề tài: ThS. NCVC. Bùi Thị Cẩm Tú
Thành viên tham gia: CN. Nguyễn Thị Hằng
Huyện đảo Cô Tô có nhiều giá trị và tiềm năng to lớn về cảnh quan tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh việc phát triển các ngành kinh tế, huyện đảo Cô Tô đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ môi trường và cảnh quan sinh thái. Huyện đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng tới phát triển du lịch xanh, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện. Do vậy, việc thực hiện đề tài “Phát triển du lịch xanh ở huyện đảo Cô Tô tỉnh Quảng Ninh: Thực trạng và giải pháp” là cần thiết.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: (1) Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch xanh; (2) Nghiên cứu, phân tích thực trạng phát triển du lịch xanh ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh và (3) Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Đề tài đã sử dụng 3 cách tiếp cận: tiếp cận tổng hợp và hệ thống; tiếp cận liên ngành và tiếp cận du lịch bền vững. Các phương pháp nghiên cứu chính đề tài sử dụng bao gồm: phương pháp thu thập, phân tích tài liệu, phương pháp điều tra xã hội học.
Kết quả nghiên cứu: Dựa trên cơ sở lí thuyết, đề tài đã lựa chọn 3 tiêu chí để phân tích, đánh giá sự phát triển du lịch xanh ở huyện Cô Tô gồm (1) Bảo tồn các nguồn tài nguyên; (2) Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, (3) Bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên. Nghiên cứu thực trạng phát triển du lịch xanh ở huyện đảo Cô Tô biểu hiện qua các hoạt động: phát triển các tour, tuyến du lịch phù hợp với điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng; công tác xử lý chất thải; giảm thiểu, hạn chế gây ô nhiễm môi trường; ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, phương tiện vận chuyển xanh, thân thiện với môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái; bảo tồn cảnh quan tự nhiên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hoạt động du lịch này đã thu hút được sự tham gia vào cuộc của các chủ thể như chính quyền địa phương, cộng đồng địa phương, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và cả du khách. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác các hoạt động du lịch, huyện đảo Cô Tô vẫn còn gặp một số khó khăn như ý thức của một số chủ thể trong vấn đề bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm dầu do hoạt động của tàu, ô nhiễm tiếng ồn từ các hàng quán dọc đường bờ biển vẫn xảy ra, chưa có hệ thống xử lý nước thải, đa dạng sinh học biển bị suy giảm…
Trong bối cảnh chiến lược tăng trưởng xanh đã và đang được triển khai ở huyện Cô Tô, đề tài đã đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế những khó khăn, thúc đẩy phát triển du lịch xanh ở huyện đảo Cô Tô như xây dựng sản phẩm du lịch xanh, nâng cao quản lý nhà nước về du lịch xanh, xây dựng dịch vụ xanh, truyền thông, quảng bá hình ảnh xanh của huyện đảo Cô Tô…
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm trung bình 84/100.
Nguyễn Thị Hằng
8. Đề tài: Nghiên cứu giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch của dân cư huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Phạm Mạnh Hà
Thanh Trì là huyện ven đô của thành phố Hà Nội, tỷ lệ người dân sử dụng nước máy đô thị của Thanh Trì hiện nay mặc dù đạt 97%, nhưng ở một số nơi chất lượng nước được cấp đến hộ dân vẫn chưa đạt quy chuẩn; lượng nước cấp cho người dân không ổn định, người dân phải khoan giếng để sử dụng,… điều này đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nước sạch của cư dân. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch của dân cư huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội” đã được triển khai.
Mục tiêu của đề tài: (1) Làm rõ cơ sở lý luận về khả năng tiếp cận nước sạch của dân cư ven đô thị; (2) Phân tích thực trạng tiếp cận nước sạch của dân cư huyện Thanh Trì; và (3) Đề xuất giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch của dân cư huyện Thanh Trì.
Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu: Đề tài sử dụng tiếp cận tổng hợp (kết hợp từ trên xuống và từ dưới lên) và tiếp cận liên ngành cho nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng bao gồm: (1) Phương pháp thu thập, phân tích và tổng hợp số liệu thứ cấp; (2) Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa; và (3) Phương pháp xử lý số liệu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên địa bàn huyện có 97% hộ dân sử dụng nước máy, tuy nhiên nhiều người dân vẫn dùng thêm nguồn nước giếng khoan cho mục đích sinh hoạt vì tình trạng mất nước vẫn diễn ra và chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo; nhiều người dân chưa hài lòng về dịch vụ cấp nước hiện tại với nguyên nhân chủ yếu là do chưa yên tâm về chất lượng nước. Mức bình quân sử dụng nước của mỗi người dân trên địa bàn huyện Thanh Trì là 3,8 m3/người/tháng. Phần lớn người được hỏi đồng ý chi trả mức giá cao hơn mức giá hiện tại (chi trả tới 9.100 đồng/m3) để được sử dụng nguồn nước có chất lượng tốt hơn. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nước sạch của dân cư huyện Thanh Trì cho thấy, thu nhập và trình độ học vấn của người dân là nhân tố quan trọng có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nước sạch của cư dân huyện Thanh Trì. Thu nhập sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng mua của người tiêu dùng; còn trình độ học vấn ảnh hưởng gián tiếp đến khả năng tiếp cận nước sạch của người dân thông qua nhận thức của họ.
Đề tài đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch của dân cư huyện Thanh Trì bao gồm: (i) Giải pháp giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, (ii) Giải pháp để nâng cao chất lượng nước; và (iii) Giải pháp về tổ chức quản lý: đề xuất mô hình quản lý cấp nước sạch “Mô hình hợp tác công - tư (PPP)” giữa Nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân.
Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể sử dụng là tài liệu tham khảo cho chính quyền quản lý địa phương và cơ quan liên quan đến quản lý cấp nước huyện Thanh Trì.
Đề tài được Hội đồng xếp loại Khá với số điểm trung bình 80,4/100.
Nguyễn Thị Huyền Thu