Hội thảo khoa học “Công bố và xin ý kiến về kết quả nghiên cứu hệ đề tài khoa học cơ sở năm 2022” 17/10/2022

   Ngày 17/10/2022, tại Hội trường 1B, số 176 Thái Hà, Hà Nội, Viện Địa lí nhân văn đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công bố và xin ý kiến về kết quả nghiên cứu hệ đề tài khoa học cơ sở năm 2022”.

        Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Viện cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu của Viện Địa lí nhân văn. Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn, chủ trì Hội thảo nhấn mạnh, Hội thảo là cơ hội để các chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài cơ sở năm 2022 và lắng nghe góp ý từ các đại biểu, các nhà nghiên cứu để hoàn thiện báo cáo tổng hợp trước khi tiến hành nghiệm thu hệ đề tài khoa học cơ sở năm 2022.

 

Toàn cảnh Hội thảo

        Các báo cáo được trình bày trong Hội thảo gồm:

        1- Nghiên cứu biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn ở huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới do ThS. Đinh Thị Lam trình bày. Báo cáo đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới. Phân tích thực trạng biến đổi cảnh quan văn hóa nông thôn huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trước và sau khi xây dựng nông thôn mới, phân tích các yếu tố tác động làm biến đổi cảnh quan văn hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đề xuất một số giải pháp về bảo tồn và phát triển cảnh quan văn hóa nông thôn ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới.

        2 - Sự tham gia của ngành du lịch Việt Nam trong chuỗi giá trị du lịch toàn cầu do ThS. ThS. Lê Hồng Ngọc trình bày. Báo cáo phân tích, đánh giá sự tham gia của ngành du lịch Việt Nam trong chuỗi giá trị du lịch toàn cầu để đề xuất một số hàm ý nâng cao giá trị của ngành du lịch Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị du lịch toàn cầu.

        3- Nghiên cứu giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch của dân cư huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội do ThS. Phạm Mạnh Hà trình bày. Báo cáo đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về khả năng tiếp cận nước sạch của dân cư ven đô thị, phân tích thực trạng tiếp cận nước sạch của dân cư huyện Thanh Trì hiện nay (những mặt đã đạt được và những tồn tại hạn chế), đề xuất giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch của dân cư huyện Thanh Trì.

        4- Nghiên cứu biến đổi ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái qua sử dụng ảnh viễn thám do ThS. Đặng Thành Trung trình bày. Báo cáo làm rõ thực trạng biến đổi ruộng bậc thang dưới sự trợ giúp của ảnh viễn thám, đánh giá một số vấn đề ứng dụng viễn thám trong nghiên cứu biến đổi ruộng bậc thang. Qua đó, đề xuất một số giải pháp quản lý ruộng bậc thang qua sử dụng ảnh viễn thám.

        5- Phát triển du lịch xanh ở huyện đảo Cô Tô tỉnh Quảng Ninh: Thực trạng và giải pháp, do ThS. NCVC. Bùi Thị Cẩm Tú trình bày. Báo cáo đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch xanh. Phân tích thực trạng phát triển du lịch xanh (những thuận lợi và khó khăn), từ đó đưa ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

        6- Trách nhiệm xã hội về môi trường của doanh nghiệp khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Hà Nam, do TS. Đoàn Thị Thu Hương trình bày. Báo cáo tập trung phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về trách nhiệm xã hội về môi trường của doanh nghiệp; Phân tích tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Hà Nam; Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Hà Nam.

        7- Đánh giá khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái - xã hội tại xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình do ThS. Nguyễn Thị Huyền Thu trình bày. Báo cáo đã làm rõ cơ sở lý luận về đánh giá khả năng chống chịu khí hậu của hệ sinh thái – xã hội; Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu khí hậu của hệ sinh thái - xã hội xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc; Từ đó đưa ra một số định hướng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương.

        8- Nghiên cứu xung đột môi trường tại một số làng nghề trên địa bàn huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh do TS. Nguyễn Đình Đáp trình bày. Báo cáo đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận về xung đột môi trường làng nghề và đánh giá hiện trạng xung đột môi trường tại một số làng nghề trên địa bàn huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Qua đó, đề xuất được các giải pháp quản lý hiệu quả xung đột môi trường tại một số làng nghề trên địa bàn huyện Yên Phong, Bắc Ninh.

Một số diễn giả trình bày tại Hội thảo

        Hội thảo đã diễn ra sôi nổi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu tham dự xoay quanh các nội dung, kết quả đã được các chủ nhiệm đề tài trình bày, tạo cơ hội để chủ nhiệm và thành viên các đề tài cơ sở 2022 tiếp thu ý kiến góp ý và tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện đề tài trước khi tiến hành nghiệm thu.

Nguyễn Thị Ngọc


Các tin cũ hơn.............................