Thực hiện Quyết định số 84/QĐ-VĐLNV của Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn V/v thành lập Hội đồng cấp cơ sở nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ, sáng ngày 28 tháng 09 năm 2022, Viện Địa lí nhân văn đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi” do TS. Nguyễn Xuân Hòa làm chủ nhiệm, Viện Địa lí nhân văn là cơ quan chủ trì.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Quảng Ngãi là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải miền Trung của nước ta, có đường bờ biển dài 150 km từ An Tân đến Sa Huỳnh với một số bãi tắm đẹp như: Sa Huỳnh, Lệ Thủy, Khe Hai, Mỹ Khê... Quảng Ngãi cũng được biết đến là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tự nhiên như núi Thiên Ấn, khu du lịch Thác Trắng, Thạch Nham, huyện đảo Lý Sơn. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn là một địa chỉ có nhiều di tích cách mạng, di tích lịch sử, di tích lịch sử văn hóa, cùng với một loạt các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay 2000 - 3000 năm. Trong quá trình hội nhập, ngành du lịch đã giúp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Quảng Ngãi cũng như đất nước, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay ngành du lịch của tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng vốn có, quá trình khai thác chưa thực sự hiệu quả, các loại hình du lịch còn đơn điệu. Tại các cơ quan quản lý về du lịch trên địa bàn tỉnh, mặc dù đã nghiên cứu thu thập khối lượng lớn thông tin, số liệu điều tra khảo sát về du lịch của tỉnh; nhưng việc phân loại, hệ thống hóa tài liệu đã có để thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng còn nhiều khó khăn do tính phân tán và thiếu hệ thống.
Vì vậy, cần có một phương pháp và phương tiện quản lý các loại dữ liệu, thông tin về tài nguyên du lịch trở nên cấp bách và cần thiết cho tỉnh Quảng Ngãi. GIS với lợi thế cung cấp giải pháp cho lưu trữ, liên kết, đặc biệt rất ưu việt trong tra cứu, phân tích và truy xuất cả dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính một cách nhanh chóng, chính xác. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) tài nguyên du lịch tỉnh Quảng Ngãi bằng công nghệ GIS sẽ hỗ trợ tích cực, mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý và cung cấp thông tin tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: (1) Làm rõ được cơ sở lý luận và thực tiễn về hệ thống thông tin địa lý (GIS) và cơ sở dữ liệu du lịch; (2) Xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu về du lịch tỉnh Quảng Ngãi; (3) Đề xuất được các giải pháp khai thác tối đa lợi thế của cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi.
Đề tài sử dụng 3 cách tiếp cận nghiên cứu: (1) tiếp cận theo hướng nghiên cứu Khoa học xã hội nhân văn; (2) tiếp cận theo hướng ứng dụng GIS thiết kế cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển du lịch; (3) tiếp cận theo hướng phát triển du lịch bền vững. Đây là những hướng tiếp cận nghiên cứu có tính mới trong nghiên cứu Khoa học xã hội nhân văn. Bên cạnh đó đề tài đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính: Phương pháp thu thập, phân tích, xử lý tài liệu sơ cấp, thứ cấp; phương pháp khảo sát thực địa; phương pháp thiết kế cơ sở dữ liệu và phương pháp GIS.
Dựa vào các luận cứ về khoa học cũng như thực tiễn ứng dụng công nghệ GIS và bản đồ trong nghiên cứu dân cư trong và ngoài nước; trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi; đề tài xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi dựa trên công nghệ GIS gồm có 2 hệ thống cơ sở dữ liệu riêng biệt: hệ thống cơ sở dữ liệu không gian và cơ sở dữ liệu thuộc tính. Hai hệ thống cơ sở dữ liệu này dễ dàng liên kết được với nhau thông qua các điểm du lịch đã được gắn vị trí địa lý, các thông tin liên quan tới điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với đó, đề tài chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển du lịch. Qua các phân tích, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu, đề tài đã đưa ra một số nhóm giải pháp nhằm xây dựng và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi, trong đó tập trung vào các giải pháp cụ thể đối với nhà quản lý và đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài; các sản phẩm và nội dung báo cáo của đề tài cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu và nội dung theo hợp đồng đã kí với Viện Hàn lâm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá đạt yêu cầu và đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số điểm để được nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Đặng Thành Trung