Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ “Bảo tồn, phát triển vốn tự nhiên phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở hạ lưu sông Cả” 29/09/2022

   Thực hiện Quyết định số 88/QĐ-ĐLNV của Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn v/v thành lập Hội đồng cấp cơ sở nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ, chiều ngày 28 tháng 9 năm 2022, Viện Địa lí nhân văn đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ “Bảo tồn, phát triển vốn tự nhiên phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở hạ lưu sông Cả” do TS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt làm chủ nhiệm, Viện Địa lí nhân văn là cơ quan chủ trì.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

        Lưu vực sông Cả là một hệ thống chứa đựng nhiều giá trị về tài nguyên thiên nhiên với các hệ sinh thái rừng đầu nguồn, các hệ sinh thái dưới nước, ven bờ, đặc biệt là rừng ngập mặn có chất lượng. Tuy nhiên, các áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế của người dân trên lưu vực sông Cả đã và đang đặt ra thách thức lớn đến vốn tự nhiên. Việc sử dụng không hợp lý đã gây ra nhiều vấn đề làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng của các nguồn vốn tự nhiên trên lưu vực sông và là nguyên nhân gây ô nhiễm lưu vực sông. Hiện nay, đất trên lưu vực sông Cả đang thoái hoá và ô nhiễm mạnh: đất nông nghiệp đã tồn dư lượng phân bón hoá học và hoá chất bảo vệ thực vật khá lớn, nhiều nơi đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước khá nghiêm trọng (Nam Sơn, Thạch Lưu, Vĩnh Lộc, Khánh Lộc, Cẩm Thành, Kỳ Hưng….); đất lâm nghiệp bị suy thoái nặng do chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ; ngoài ra, đất còn bị suy thoái và ô nhiễm do khai thác khoáng sản tự do và tràn lan trên lưu vực; Nước trên lưu vực sông Cả rất phong phú với tổng lượng dòng chảy trung bình năm khoảng 26,8.109 m3, nhưng do khai thác, sử dụng các hồ chứa nước trên thượng nguồn và sử dụng nước trong sản xuất công nghiệp, trong sinh hoạt nhân sinh chưa hợp lý đã làm cho vùng đồng bằng trũng, đồng bằng ven biển bị xâm nhập mặn và môi trường nước ở những vùng xung quanh nhà máy, khu vực khai thác khoáng sản, bệnh viện, đô thị bị ô nhiễm.

        Mặc dù đã có khá nhiều các chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian qua, nhưng các tài nguyên vẫn tiếp tục bị khai thác quá mức, một số loài sinh vật có nguy cơ cạn kiệt trong tương lai gần, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, đe dọa đến khả năng tự phục hồi của các hệ sinh thái tự nhiên. Một trong những nguyên nhân của hiện trạng này là do các chính sách kinh tế, tài chính liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng nguồn vốn tự nhiên ở nước ta còn chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ, điều này đòi hỏi cần có các nghiên cứu và đề xuất giải pháp để phát triển kinh tế hài hòa với thiên nhiên, góp phần phục hồi, duy trì và phát triển nguồn vốn tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái tài nguyên và môi trường cho lưu vực.

        Mục tiêu của đề tài: Làm rõ cơ sở lý luận về bảo tồn, phát triển một số nguồn vốn tự nhiên cơ bản phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững; phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển một số nguồn vốn tự nhiên cơ bản phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở hạ lưu sông Cả.

        Đề tài đã sử dụng cách tiếp cận hệ thống, tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận liên ngành và tiếp cận phát triển bền vững để xem xét việc bảo tồn, phát triển vốn tự nhiên nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững vùng hạ lưu sông Cả.

        Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng bao gồm: phân tích, tổng hợp tư liệu; PRA; khảo sát thực tế, phương pháp điều tra xã hội học và phương pháp xử lý thống kê toán học. Đề tài đã phỏng vấn 200 khách thể là người dân sống tại địa phương, đại diện các doanh nghiệp và cán bộ quản lý ở địa phương.

        Kết quả nghiên cứu của đề tài đã phân tích thực trạng khai thác, sử dụng vốn tự nhiên (đất, nước), chỉ ra những tồn tại, thách thức trong việc bảo tồn, phát triển vốn tự nhiên phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững vùng hạ lưu sông Cả. Thứ nhất, đối với tài nguyên đất, mặc dù đã có những đổi mới về cơ chế, chính sách trong thực hiện việc dồn điền đổi thửa nhưng quá trình tích tụ đất nông nghiệp diễn ra chậm, gây khó khăn cho ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hoá trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp và các gia đình nông dân đầu tư để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, tài nguyên đất của khu vực hạ lưu sông Cả đang bị ô nhiễm, thoái hoá khiến chất lượng đất suy giảm. Thứ hai, đối với tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng chưa bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm nước ngầm và ô nhiễm nước mặt. Mặc dù tài nguyên nước của vùng hạ lưu sông Cả rất dồi dào nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô. Thứ ba, thách thức do thiên tai khá lớn. Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, nắng nóng, hạn hán, lũ lụt. Theo thống kê, tổng thiệt hại do thiên tai của Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2020 là 5,327 tỷ đồng. Trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, thách thức trên, đề tài đã đề ra một số nhóm giải pháp để khai thác, sử dụng có hiệu quả vốn tự nhiên nhằm bảo tồn, phát triển những nguồn vốn này phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

        Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đã đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của đề tài và nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Các sản phẩm và nội dung các báo cáo của đề tài về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu, nội dung theo hợp đồng đã ký với Viện Hàn lâm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá Đạt yêu cầu và đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số điểm để được nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Cao Thị Thanh Nga

 


Các tin cũ hơn.............................