Thực hiện Quyết định số 86/QĐ-VĐLNV của Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn V/v thành lập Hội đồng cấp cơ sở nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ, sáng ngày 28 tháng 09 năm 2022, Viện Địa lí nhân văn đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ “Biến đổi văn hóa sản xuất dưới tác động của chương trình OCOP ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh” do ThS.NCVC. Đinh Trọng Thu làm chủ nhiệm, Viện Địa lí nhân văn là cơ quan chủ trì.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP đã tạo ra những thay đổi lớn trong nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán lạc hậu sang sản xuất, kinh doanh hướng kinh tế thị trường. Tỉnh Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm Chương trình OCOP từ năm 2013. Dựa trên thành công của Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh, Chính phủ đã xây dựng Chương trình OCOP thực hiện trên toàn quốc giai đoạn 2018 – 2020. Cùng với quá trình thực hiện Chương trình OCOP, văn hóa sản xuất của các hộ gia đình nông thôn đã có những biến đổi nhất định. Để trả lời những câu hỏi: văn hóa sản xuất đã biến đổi như thế nào? Những yếu tố nào liên quan đến biến đổi văn hóa sản xuất của các hộ gia đình nông thôn, nghiên cứu này đã được triển khai thực hiện.
Mục tiêu của đề tài: Nghiên cứu biến đổi văn hóa sản xuất dưới tác động của Chương trình OCOP ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, từ đó đề xuất được phương hướng, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa sản xuất trên các địa bàn thực hiện Chương trình OCOP của thị xã Đông Triều nói riêng và cho các địa phương khác nói chung.
Đề tài đã sử dụng 4 cách tiếp cận: (1) Tiếp cận tổng hợp; (2) Tiếp cận biến đổi văn hóa; (3) Tiếp cận thể chế chính sách; (4) Tiếp cận mô hình khung ma trận Áp lực - Tình trạng - Phản hồi (PSR) để phân tích, tìm hiểu về biến đổi văn hóa sản xuất dưới tác động của Chương trình OCOP.
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: (1) Thu thập và xử lý tài liệu thứ cấp có liên quan đến đề tài; (2) Phương pháp nghiên cứu thực địa tại thị xã Đông Triều và các điểm sản xuất theo chương trình OCOP trên địa bàn thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; (3) Phương pháp điều tra bảng hỏi được thực hiện với 200 khách thể tại 2 xã An Sinh và Tân Việt (mỗi xã 100 khách thể) trong đó: 100 khách thể tham gia sản xuất OCOP và 100 khách thể không tham gia OCOP. (4) Phương pháp phỏng vấn sâu được thực hiện đối với các khách thể là chủ doanh nghiệp OCOP, các nhà quản lý OCOP của địa phương.
Kết quả nghiên cứu của đề tài: Đề tài đã làm rõ được cơ sở lý luận về biến đổi văn hóa sản xuất dưới tác động của chương trình OCOP với các khái niệm như văn hóa, văn hóa sản xuất, biến đổi văn hóa sản xuất; xây dựng được khung phân tích biến đổi văn hóa; Xác định được nội dung của biến đổi văn hóa sản xuất.
Kết quả khảo sát thực tế tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cho thấy: Dưới tác động của chương trình OCOP, đã có sự biến đổi đáng kể về văn hóa sản xuất của cộng đồng người dân tham gia chương trình. Người dân tham gia chương trình OCOP có sự thay đổi rõ nét trong ứng xử với nguồn lực đầu vào sản xuất, lựa chọn giống vật nuôi, cây trồng; ý thức hơn trong việc sử dụng phân bón hóa học; sử dụng biện pháp IPM thay thế việc sử dụng thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh. Hướng sản xuất theo nông nghiệp Vietgap, Global... để tạo ra những hàng hóa, sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Điểm nổi bật là sự thay đổi cách nghĩ của người dân trong tổ chức hoạt động sản xuất, không sản xuất nhỏ lẻ mà thay vào đó là cùng nhau hợp thành các tổ chức kinh tế lớn tại địa phương, tạo nên sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất OCOP, văn hóa sản xuất của người dân cũng như năng lực quản trị của một số của một số tổ chức, cá nhân tham gia vào chương trình OCOP ở Quảng Ninh còn yếu, thiếu các kiến thức về kinh tế thị trường, về hội nhập quốc tế và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị nên hiệu quả sản xuất OCOP chưa đạt được kết quả tốt nhất. Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất một số giải pháp về xây dựng và phát triển văn hóa sản xuất cho người dân trên địa bàn để Chương trình OCOP của thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đạt được kết quả cao nhất.
Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài; các sản phẩm và nội dung báo cáo của đề tài về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu và nội dung theo hợp đồng đã kí với Viện Hàn lâm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá Đạt yêu cầu và đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số điểm để được nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Đinh Thị Lam