Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Hà Giang và Yên Bái” 29/09/2022

   Thực hiện Quyết định số 85/QĐ-ĐLNV của Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn về việc thành lập Hội đồng cơ sở nghiệm thu đề tài cấp Bộ, sáng ngày 28/9/2022, Viện Địa lí nhân văn đã tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Hà Giang và Yên Bái” do TS. Phạm Thị Trầm làm chủ nhiệm, Viện Địa lí nhân văn là cơ quan chủ trì.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

        Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường và sự an toàn thực phẩm cho con người, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) dần trở thành xu thế trên thế giới và cả ở Việt Nam. NNHC là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống công bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái. Vì vậy, phát triển NNHC là một trong những giải pháp hiệu quả của ngành nông nghiệp góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

        Hà Giang và Yên Bái là 2 tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, có điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai và khí hậu thuận lợi cho phát triển NNHC, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt. Trên cơ sở lợi thế về tài nguyên nhiên thiên, Hà Giang và Yên Bái đã triển khai đề án phát triển NNHC, trong đó xác định các cây trồng chủ lực theo hướng hữu cơ là chè và quế. Tuy nhiên, chưa có nhiều những nghiên cứu sâu về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn hai tỉnh Hà Giang và Yên Bái. Đề tài được thực hiện với mục tiêu phân tích thực trạng phát triển NNHC tại tỉnh Hà Giang và Yên Bái, trên cơ sở đó đề xuất quan điểm, giải pháp thúc đẩy phát triển NNHC tại khu vực nghiên cứu.

        Đề tài đã sử dụng cách tiếp cận hệ thống và tổng hợp, tiếp cận chuỗi giá trị, tiếp cận có sự tham gia và tiếp cận kinh tế thị trường cùng các phương pháp thu thập, phân tích tài liệu, phương pháp khảo sát thực địa, phương pháp tham vấn ý kiến chuyên gia và phương pháp phân tích SWOT nhằm phân tích thực trạng phát triển NNHC tại khu vực nghiên cứu.

        Qua phân tích các mô hình sản xuất chè hữu cơ và quế hữu cơ trên địa bàn 2 tỉnh cho thấy những kết quả đã đạt được như: đã hình thành vùng sản xuất và chuỗi chè hữu cơ với các liên kết giữa các chủ thể gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; đã xây dựng được thương hiệu theo vùng nguyên liệu và sản phẩm hữu cơ; xây dựng chỉ dẫn chè, quế hữu cơ, đặc biệt là đã thu hút được các doanh nghiệp tham gia phát triển NNHC và nhận thức của người dân về vấn đề này đã có sự chuyển biến tích cực. Đây cũng chính là cơ sở có thể mở rộng và phát triển các sản phẩm hữu cơ khác tại tỉnh Hà Giang và Yên Bái trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề tài đã chỉ ra những hạn chế của phát triển NNHC của khu vực này như sự chồng chéo giữa các vùng nguyên liệu, thiếu vắng sự tham gia quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, trình độ của người dân còn thấp, liên kết giữa các chủ thể trong sản xuất lỏng lẻo, những yếu kém trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ nên chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô, các khó khăn trong vấn đề chứng nhận hữu cơ, cơ sở vật chất phục vụ phát triển NNHC chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn… Vì vậy, để có thể phát triển NNHC nói chung và trồng trọt hữu cơ nói riêng trên địa bàn tỉnh Hà Giang và Yên Bái cần có những nhóm giải pháp để giải quyết những khó khăn trên.  

        Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài; các sản phẩm và nội dung báo cáo của đề tài đã đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu và nội dung theo hợp đồng đã kí với Viện Hàn lâm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá đạt yêu cầu và đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số điểm để được nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Nguyễn Thị Hằng

 


Các tin cũ hơn.............................