Thực hiện Quyết định số 174/QĐ-ĐLNV của Viện Địa lí nhân văn về việc thành lập Hội đồng cơ sở nghiệm thu nhiệm vụ cấp địa phương, sáng ngày 25/11/2023, Viện Địa lí nhân văn đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ “Biên soạn Địa chí huyện Cô Tô” do TS. Nguyễn Song Tùng làm chủ trì nhiệm vụ, Viện Địa lí nhân văn là cơ quan chủ trì.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Cô Tô là huyện đảo gồm khoảng 74 đảo với nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, tài nguyên văn hóa đa dạng; là điều kiện để phát triển nền kinh tế biển tổng hợp. Với vị trí địa lý đặc biệt, huyện Cô Tô có vị trí tiền đồn quan trọng trong vùng biển Đông Bắc của Việt Nam và có vị trí chiến lược về kinh tế biển và thương mại quốc tế của cả nước. Vì vậy, việc biên soạn cuốn Địa chí huyện Cô Tô có ý nghĩa về địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị đồng thời quảng bá hình ảnh con người Cô Tô từ quá khứ tới hiện tại.
Bằng các phương pháp thu thập tài liệu, phương pháp liên ngành, điền dã dân tộc học, phương pháp chuyên gia…, cuốn “Địa chí huyện Cô Tô” được cấu trúc thành 5 phần và 25 chương cho thấy toàn bộ quá trình hình thành và phát triển tất cả các lĩnh vực đồng thời nêu bật được những thế mạnh, tiềm năng, đặc trưng cũng như những thuận lợi, khó khăn của huyện đảo Cô Tô. Nội dung các phần được cụ thể như sau:
Phần thứ nhất: Địa lý, gồm 3 chương Địa lý tự nhiên, hành chính, dân cư và dân tộc. Trong phần này, đã nêu rõ các đặc điểm về tự nhiên, các tài nguyên sinh vật trong đó chỉ rõ được các tài nguyên đặc thù, có tiềm năng của huyện Cô Tô và quá trình hình thành và phát triển của các đơn vị hành chính và đặc điểm về dân cư và dân tộc trên địa bàn huyện Cô Tô.
Phần thứ hai: Lịch sử. Nội dung phần này đã đề cập đến sự hình thành và phát triển của huyện Cô Tô qua các giai đoạn lịch sử, tìm hiểu và khai thác tối đa thông tin về các giai đoạn từ thời Tiền sử thông qua các di chỉ khảo cổ cho đến ngày nay.
Phần thứ ba: Hệ thống chính trị. Phần này đã mô tả lịch sử hình thành, cơ cấu và chức năng, hoạt động của hệ thống chính trị như Đảng bộ huyện, Bộ máy nhà nước huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Cô Tô.
Phần thứ tư: Kinh tế. Phần này đã nêu rõ đặc điểm kinh tế và sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế của huyện qua các thời kì, đã chỉ ra được các đặc điểm, tiềm năng và những nét đặc trưng của ngành kinh tế huyện Cô Tô từ khi thành lập Huyện đến nay.
Phần thứ năm: Văn hóa - xã hội. Phần này đã mô tả về lịch sử, đặc điểm của các di tích, danh thắng và nêu rõ đặc điểm văn hóa ẩm thực, trang phục, cư trú và sản xuất; văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán và tôn giáo của người dân địa phương. Bên cạnh đó, phần này còn cho thấy những thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, thể hiện đời sống tinh thần của người dân huyện đảo Cô Tô qua các thời kì lịch sử. Từ đó, đã chỉ ra những nét văn hóa đặc trưng của địa phương có thể tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những kết quả đạt được của nghiệm vụ; các nội dung của bản thảo đã đáp ứng đầy đủ các mục tiêu và nội dung của một cuốn Địa chí địa phương hiện nay. Tuy nhiên, bản thảo cũng cần chỉnh sửa để các nội dung được cô đọng hơn, bổ sung thêm các hình ảnh về Cô Tô trong những năm gần đây… Nhiệm vụ được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá đạt yêu cầu và đề nghị nghiệm thu cấp tiếp theo.
Cuốn địa chí là công trình khoa học có tính “bách khoa thư” cung cấp cho độc giả, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và nhân dân những tri thức vừa có tính tổng quát vừa có tính chuyên sâu về địa lý, tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, dân cư, dân tộc, hệ thống chính trị, an ninh - quốc phòng của các địa phương. Đây cũng là công trình có giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc cho các thế hệ mai sau.
Nguyễn Thị Hằng