Hội thảo khoa học: Thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong khai thác và chế biến thủy sản 10/11/2023

   Sáng ngày 10 tháng 11 năm 2023, tại Hội trường 1A, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Viện Địa lí nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong khai thác và chế biến thủy sản”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung năm 2023 của Viện. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Viện cùng toàn thể cán bộ Viện Địa lí nhân văn và một số nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Châu Âu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

Toàn cảnh hội thảo

        Khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn, chủ trì hội thảo nhấn mạnh: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXHDN) đang là xu thế lớn mạnh trên thế giới. Hiện nay, TNXHDN đang trở thành một việc “cần làm” đối với các doanh nghiệp nhằm giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Thực hiện TNXHDN là một trong những nền tảng vô cùng quan trọng cho việc phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngành Thủy sản là một trong những ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước ta hiện nay, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp thủy sản ngoài việc tập trung vào phát triển kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận, thị trường tiêu thụ thì còn cần phải chú ý tới chiến lược và chính sách về đối tác, thị trường có lồng ghép trách nhiệm xã hội, đặc biệt đối với các  doanh nghiệp xuất khẩu. Hội thảo “Thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong khai thác và chế biến thủy sản” được tổ chức với mục tiêu thảo luận, chia sẻ các quan điểm, ý nghĩa và vai trò của TNXHDN trong phát triển doanh nghiệp khai thác và chế biến thủy sản Việt Nam, đồng thời gợi mở, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện TNXHDN, góp phần giúp các doanh nghiệp khai thác và chế biến thủy sản phát triển.

TS. Nguyễn Song Tùng phát biểu khai mạc hội thảo

        Hội thảo được nghe nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học đến từ Viện Địa lí nhân văn và môt số cơ quan khác như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Châu Âu. Trong đó có một số báo cáo nổi bật như:

        Báo cáo tham luận “Một số vấn đề lý luận chung về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” do TS. Đoàn Thị Thu Hương - Viện Địa lí nhân văn trình bày. Báo cáo đã tóm tắt và chỉ ra khái niệm về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, một số lý thuyết đã được sử dụng để nghiên cứu về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và một số tiêu chí đánh giá trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

TS. Đoàn Thị Thu Hương trình bày tham luận tại Hội thảo

        Báo cáo tham luận “Chính sách thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Liên minh Châu Âu” TS. Bùi Việt Hưng - Viện Nghiên cứu Châu Âu trình bày. Báo cáo đưa ra các chính sách thúc đẩy thực hiện TNXHDN tại Liên minh Châu Âu như một kênh tham khảo, so sánh đối với những chính sách thúc đẩy thực hiện TNXHDN tại Việt Nam. Báo cáo chỉ ra lý luận chung về TNXHDN, bối cảnh hình thành và phát triển chính sách về TNXHDN, thực tiễn triển khai chính sách về TNXHDN của Châu Âu và một số nghiên cứu điển hình về TNXHDN tại các doanh nghiệp, các giải pháp mà Châu Âu đã thực hiện đồng bộ để thúc đẩy việc thực hiện TNXHDN tại Châu Âu. Báo cáo cũng chỉ ra một số nghiên cứu điển hình thực hiện TNXHDN của AneeCoop – Tây Ban Nha.

TS. Bùi Việt Hưng trình bày tham luận tại Hội thảo

        TS. Phạm Thị Trầm -Viện Địa lí nhân văn trình bày báo cáo tham luận “Các nhân tố ảnh hưởng tới việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp”. Báo cáo chỉ rõ ba cách tiếp cận đối với việc thực hiện TNXHDN (Tiếp cận theo thứ tự ưu tiên, tiếp cận theo tầm quan trọng và tiếp cận theo đối tượng tác động để thực hiện TNXHDN), các yếu tố tác động đến thực hiện TNXHDN bao gồm yếu tố khách quan (môi trường kinh tế chính trị và pháp luật, sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền, nhận thức của cộng đồng và người tiêu dùng, vai trò của các tổ chức xã hội) và yếu tố chủ quan (chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp, mức độ hội nhập của doanh nghiệp, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp). Báo cáo khẳng định Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp (DN) ngày càng là một vấn đề mang tính toàn cầu. Việc tiếp cận TNXH vừa hỗ trợ DN phát triển lâu bền vừa đóng góp vào việc bảo vệ và cải thiện tiêu chuẩn xã hội. Sự phát triển bền vững với TNXH quan trọng cho cộng đồng, cho quốc gia và cho sự thành công của các DN. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, cạnh tranh giữa các DN sẽ phức tạp và gay gắt hơn thì các hoạt động thể hiện TNXH sẽ giúp cho DN giảm thiểu rủi ro, xây dựng uy tín, nâng cao danh tiếng, từ đó mang lại nhiều lợi ích kinh doanh cho DN”.

TS. Phạm Thị Trầm trình bày tham luận tại Hội thảo

        Báo cáo “Đặc điểm của sản phẩm thủy sản và những yêu cầu cơ bản về việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong khai thác và chế biến sản phẩm thủy sản ở Việt Nam” do TS. Bùi Thị Nga - Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày. Báo cáo chỉ ra quan điểm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các nội dung và hoạt động vì xã hội của doanh nghiệp, đặc điểm của sản phẩm thủy sản, những yêu cầu cơ bản về việc thực hiện TNXH, vai trò của ngành thủy sản ở Việt Nam và TNXH trong các doanh nghiệp thủy sản, việc thực hiện TNXH và lợi ích đối với các doanh nghiệp thủy sản ở Việt Nam; chỉ ra một số vấn đề đặt ra và một số đề xuất cải thiện việc thực hiện TNXH của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

TS. Bùi Thị Nga trình bày tham luận tại Hội thảo

        Các nhà khoa học thảo luận sôi nổi về các vấn đề địa lý chính trị liên quan đến chủ đề hội thảo, như: TNXH của các doanh nghiệp, quy trình thực hiện hiệu quả TNXH, định hướng cách hiểu đúng về TNXH của doanh nghiệp, các quy định về TNXH của doanh nghiệp, những khó khăn khi thực hiện TNXHDN… đã được trao đổi một cách thẳng thắn tại buổi hội thảo. Hội thảo khoa học không chỉ là diễn đàn trao đổi khoa học, còn gợi mở ra một số hướng nghiên cứu phù hợp với thực tiễn và theo đúng nhiệm vụ nghiên cứu của Viện Địa lí nhân văn.

Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo

Nguyễn Thị Sáu An