Sáng ngày 08/11/2023, tại Hội trường 3C, số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với Hội Địa lý Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Địa lí nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam (SDGs) đến năm 2030”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
Về phía Viện Địa lí nhân văn có TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng; TS. Bùi Thị Vân Anh - Phó Viện trưởng cùng toàn thể viên chức Viện Địa lí nhân văn.
Về phía Hội Địa lý Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Cao Huần- Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam, GS.TS Trương Quang Hải- Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, PGS.TS. Đặng Văn Bào, Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam.
Ngoài ra, đến dự Hội thảo còn có các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực Khoa học địa lý từ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước.

Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý đại biểu đến tham dự Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh: Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu và là niềm hy vọng lớn của toàn nhân loại, tiếp tục trở thành định hướng phát triển được các quốc gia trên thế giới nỗ lực hướng tới. Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9 năm 2015 đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs) với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể. Các mục tiêu phát triển bền vững kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất, đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Phát triển bền vững xác lập các mục tiêu cụ thể cho một giai đoạn nhất định của phát triển để đạt sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng môi trường kinh tế - xã hội thích hợp nhằm tạo ra môi trường nhân tạo tối ưu nhất trong mối quan hệ giữa sự vận động của môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội theo không gian và thời gian.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đánh giá cao các kết quả công tác của Viện Địa lí nhân văn trong những năm qua, đặc biệt là việc tổ chức Hội thảo Quốc gia với mục tiêu tạo lập một diễn đàn nhằm giới thiệu các thành tựu khoa học mới, trao đổi kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học địa lí và các nhà khoa học liên ngành liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững. Tại Hội thảo này, PGS.TS Nguyễn Đức Minh đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất, thảo luận, gợi mở các vấn đề mới về lý luận và thực tiễn của phát triển bền vững lãnh thổ, phát triển bền vững ngành, lĩnh vực; đồng thời, xác định được các nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm chiến lược cho khoa học địa lí nhân văn đến năm 2030 góp phần thực hiện Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong Báo cáo đề dẫn, TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn dẫn giải, địa lí nhân văn là phân ngành chính của khoa học Địa lí, nghiên cứu về mối quan hệ tương tác giữa con người và tự nhiên; tập trung vào cách thức khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên, môi trường thông qua cách tiếp cận, quan điểm và công cụ có tính đặc thù. Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa thực hiện các mục tiêu chính sách của Chính phủ về Phát triển bền vững theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017 và Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về Phát triển bền vững; đặc biệt, góp phần chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Địa lí nhân văn phối hợp với Hội Địa lý Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Địa lí nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam (SDGs) đến năm 2030” nhằm khẳng định vai trò và sự đóng góp quan trọng của các nhà nghiên cứu khoa học địa lí trong thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững Việt Nam thông qua nhận diện các vấn đề, thách thức trong phát triển và các giải pháp trong giải quyết các thách thức này dưới tiếp cận khoa học địa lí.
TS. Nguyễn Song Tùng cũng cho biết, Hội thảo đã thu hút được các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các ngành khoa học Địa lí, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thuộc các cơ quan nghiên cứu, các trường Đại học trên toàn quốc và các cán bộ địa phương đã tham gia viết bài tham luận cho Hội thảo. Với hơn 60 bài tham luận được gửi đến, Viện đã phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học lựa chọn 42 bài tham luận phù hợp và phân chia thành 5 chủ đề, gồm: (i) Địa lí nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam; (ii) Địa lí nhân văn đối với phát triển bền vững theo lãnh thổ; (iii) Địa lí nhân văn đối với phát triển bền vững ngành và lĩnh vực; (iv) Xây dựng nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển triển bền vững; và (v) Ứng dụng công nghệ địa lí – GIS trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để biên tập thành Kỷ yếu Hội thảo có chỉ số ISBN và được Nhà xuất bản KHXH xuất bản tháng 10/2023.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 5 báo cáo trình bày (1) “Tổng quan về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam”, của ThS. NCS. Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, Giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; (2) “Tiếp cận địa lí nhân văn trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, của TS. Lê Thanh Hòa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (3) “Thúc đẩy việc làm bền vững tại Việt Nam”, của TS. Trần Thị Tuyết, Viện Địa lí nhân văn; (4) “Nghiên cứu các yếu tố phát sinh và đề xuất giải pháp cảnh báo lũ quét tại tỉnh Lai Châu”, của PGS. TS. Kiều Quốc Lập, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên; (5) “Du lịch trở thành động lực hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”, của TS. Phạm Thị Trầm, Viện Địa lí nhân văn.



Một số tham luận trình bày tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ vấn đề Địa lý nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam; cách tiếp cận tổng hợp và liên ngành của Địa lí nhân văn cho phép thực hiện các nghiên cứu liên quan đến phát triển bền vững; xây dựng nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển triển bền vững; ứng dụng công nghệ địa lý – hệ thống địa lý trong hỗ trợ và giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua những tham luận trình bày và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Viện Địa lí nhân văn sẽ tiếp thu và tổng hợp làm cơ sở để gợi mở đề xuất các giải pháp triển khai trong thực tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững.
Chúc mừng các kết quả đạt được tại Hội thảo, PGS.TS. Đặng Văn Bào - Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam đã đánh giá cao các tham luận, các ý kiến trao đổi tại Hội thảo và cho rằng các kết quả nghiên cứu của khoa học địa lí nhân văn sẽ mở ra các cơ hội quan trọng cho sự phát triển bền vững của các ngành/lĩnh vực, đóng góp đáng kể cho sự phát triển bền vững của các quốc gia và thế giới.

TS. Nguyễn Song Tùng – Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn bế mạc hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng đã bày tỏ lời cám ơn đến Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các Ban chức năng của Viện Hàn lâm; Hội Địa lý Việt Nam đã luôn hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển của Viện Địa lí nhân văn; cảm ơn các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các tổ chức khoa học đã gửi bài tham luận cho Hội thảo và đến tham dự Hội thảo.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây cũng là dịp để các nhà nghiên cứu Địa lí trong cả nước gặp gỡ trao đổi và bày tỏ những quan điểm về nghiên cứu Địa lí nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam (SDGs) đến năm 2030, nhằm tạo hướng đi mới và ngày càng phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu này góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Một số hình ảnh tại Hội thảo




Nguyễn Thị Ngọc