Sáng ngày 18 tháng 9 năm 2023, tại Hội trường 1B, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Viện Địa lí nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng môi trường ở các khu công nghiệp ven biển”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung năm 2023 của Viện. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Viện cùng toàn thể cán bộ Viện Địa lí nhân văn và một số nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Toàn cảnh hội thảo
Khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn, chủ trì hội thảo nhấn mạnh: “Khu công nghiệp (KCN) được xem là một trong những mô hình phát triển được vận dụng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phát triển KCN đã đem lại nhiều giá trị cho tiến trình phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động ở nông thôn, đóng góp một phần lớn vào sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, sự phát triển của các khu công nghiệp gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mặc dù, hoạt động kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng các KCN đã xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lí nước thải, khí thải tự động gia tăng hàng năm. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải và khí thải công nghiệp vẫn là thách thức lớn đang đặt ra hiện nay. Hội thảo hôm nay là diễn đàn cho các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu và đưa ra các giải pháp góp phần giải bài toán đối với thực trạng môi trường ở các khu công nghiệp ven biển.
TS. Nguyễn Song Tùng phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo được nghe các báo cáo tham luận về thực trạng môi trường ở các khu công nghiệp ven biển. Trong đó có một số báo cáo nổi bật như:
Báo cáo tham luận “Phát triển các khu công nghiệp ven biển và các biện pháp chính sách bảo vệ môi trường ở Hàn Quốc” do TS. Võ Hải Thanh (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á) trình bày. Báo cáo đã tóm lược về quá trình hình thành và phát triển các khu công nghiệp ở Hàn Quốc; thực trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp ở Hàn Quốc; Các chính sách nhằm bảo vệ môi trường các khu công nghiệp ven biển ở Hàn Quốc; và từ đó đưa ra một số nhận xét: môi trường của Hàn Quốc đã xấu đi nghiêm trọng sau hơn 30 năm công nghiệp hóa và đô thị hóa. Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Trước áp lực của nhân dân trong nước cũng như ngoài nước, Hàn Quốc buộc phải chú trọng đến vấn đề môi trường nhiều hơn trong chính sách phát triển của mình. Trong những năm 1990 và thập niên gần đây hàng loạt chính sách, biện pháp bảo vệ môi trường bao gồm cả những biện pháp quản lý truyền thống cũng như những biện pháp dựa trên nguyên tắc thị trường đã được thực hiện. Nhờ thực hiện các chính sách và biện pháp mạnh mà môi trường của Hàn Quốc đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây. Kế hoạch Hàn Quốc xanh 2006, Đạo luật khung về tăng trưởng xanh carbon thấp, luật về các mục tiêu giảm phát thải và các chính sách bổ sung khác như ưu tiên R&D cho công nghệ xanh, Thỏa thuận mới xanh, là minh chứng cho sự phát triển cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo đánh giá của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc thì Hàn Quốc là một nước có sự cải thiện về môi trường tương đối nhanh so với các nước công nghiệp khác. Chỉ trong vòng 10 năm sau khi Hàn Quốc gia nhập tổ chức OECD (1998), môi trường sống, đặc biệt là chất lượng nước đã được cải thiện đáng kể. Điều này cho thấy Hàn Quốc đã có sự điều chỉnh chính sách kịp thời, có nhiều sáng tạo trong quản lý môi trường. Đây sẽ là những kinh nghiệm tốt để Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác có thể học tập.
TS. Võ Hải Thanh trình bày tham luận tại Hội thảo
Báo cáo tham luận “Chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và vấn đề bảo vệ môi trường” do TS. Lê Thi Thu Hiền (Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng) trình bày. Báo cáo đã phân tích việc cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách trong phát triển KCN, KKT để đảm bảo cân đối và hài hòa giữa các mục tiêu phát triển về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Báo cáo nêu ra chính sách phát triển KCN, KKT ven biển ở Việt Nam từ 1991 đến nay, đánh giá sự đúng đắn của các chính sách phát triển KCN, KKT ven biển, đã mang lại những kết quả tích cực đối với việc thúc đẩy quá trình CNH, HĐH đất nước, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; thu hút được lượng lớn vốn đầu tư, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Sự phát triển các KCN, KKT thời gian qua đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường và thực hiện định hướng tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, các chính sách cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: (1) Quy hoạch KCN, KKT còn dàn trải, bất cập, thiếu tầm nhìn tổng thể và dài hạn; (2) Mô hình phát triển KCN, KKT chậm được đổi mới, chưa theo hướng chuyên ngành chuyên môn hóa… (3) Thu hút đầu tư vào KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết, hợp tác trong KCN, KKT giữa các khu với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế; (4) Các KCN, KKT phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội. Cuối cùng, Báo cáo kết luận: chính sách phát triển KCN, KKT đã ngày càng được hoàn thiện hơn để phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và bối cảnh hội nhập quốc tế. Những đóng góp của KCN, KKT trong công cuộc CNH, HĐH đất nước là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên để thúc đẩy các KCN, KKT ven biển thực sự trở thành động lực phát triển của địa phương và vùng, Việt Nam cần nghiên cứu nhằm có những chính sách trọng tâm trọng điểm tạo môi trường phát triển cho các KCN, KKT ven biển. Luật KCN, KKT đang dự thảo và sẽ sớm được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong chính sách phát triển KCN, KKT. Ngoài ra, cần tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN, KKT đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp gắn với bảo vệ môi trường thông qua việc hình thành/chuyển đổi mô hình KCN sang mô hình KCN sinh thái, tuần hoàn hay chuyên ngành… Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn vào quá trình thực thi, đánh giá và giám sát việc thực hiện chính sách để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế đáp ứng yêu cầu vì mục tiêu phát triển bền vững.
TS. Lê Thị Thu Hiền trình bày tham luận tại Hội thảo
Báo cáo của TS. Nguyễn Xuân Hòa (Viện Địa lí nhân văn) với chủ đề: “Hiện trạng môi trường các khu công nghiệp- khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà”. Báo cáo chỉ rõ thực trạng môi trường khu kinh tế Vân Phong và đưa ra một số kết luận: Hầu hết các hạng mục phát triển KCN ven biển đều có ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên tùy thuộc vào từng dự án thành phần mà mức độ ảnh hưởng có thể khác nhau; Các khu công nghiệp ven biển, cảng tàu, nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất do các chất thải sản xuất. Tuy nhiên, trong phương án quy hoạch khu kinh tế Vân Phong cũng đã tính đến yếu tố bảo vệ môi trường, bố trí các công trình xử lý chất thải riêng cho các khu công nghiệp, các dải cây xanh ven biển, các công trình cấp nước và thoát nước, nên các tác động tới môi trường sẽ được giảm thiểu; Quy hoạch khu xử lý chất thải rắn giải quyết được vấn đề bức xúc về rác thải của khu kinh tế nhưng đây là nguyên nhân gây nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm, nước mặt nghiêm trọng nếu không được xử lý triệt để; Đối với các dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp ven biển các tác động môi trường cần lưu ý đến ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, ô nhiễm môi trường đất và ô nhiễm môi trường không khí do khí thải từ sản xuất công nghiệp, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại; Đối với dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 và 2 cần đặc biệt đánh giá môi trường về mặt an toàn đối với thủy vực tiếp nhận một lượng lớn nước làm mát của nhà máy vào vùng biển ven bờ, nơi có động lực yếu, rạn san hô cần bảo tồn, đồng thời thải ra môi trường một lượng xỉ không nhỏ.
TS. Nguyễn Xuân Hòa trình bày tham luận tại Hội thảo
Báo cáo “Sức ép môi trường do phát triển công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” do TS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt, Trưởng phòng, Phòng Địa lí Sinh thái và Môi trường của Viện Địa lí nhân văn trình bày. Báo cáo tập trung làm rõ một số nội dung về thực trạng phát triển công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chỉ ra một số vấn đề môi trường do phát triển công nghiệp tại vùng kinh tế, bốn nguyên nhân ô nhiễm môi trường do phát triển công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và bảy giải pháp nhằm bảo vệ môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp.
TS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt trình bày tham luận tại Hội thảo
Các nhà khoa học thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo, như: các chính sách của Việt Nam về bảo vệ môi trường đối với các KCN ven biển; tình hình ô nhiễm môi trường và các chính sách, giải pháp bảo vệ môi trường của một số quốc gia trên thế giới và địa phương trong nước đã được trao đổi một cách thẳng thắn tại buổi hội thảo. Hội thảo khoa học không chỉ là diễn đàn trao đổi khoa học, còn gợi mở ra một số hướng nghiên cứu phù hợp với thực tiễn và theo đúng nhiệm vụ nghiên cứu của địa lí nhân văn, tạo thêm cơ hội hợp tác trong triển khai nghiên cứu vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Sáu An