Hội thảo khoa học: Nhân lực trong phát triển du lịch bền vững thời kỳ hậu COVID-19: Một số vấn đề đặt ra 15/08/2023

   Sáng ngày 15 tháng 8 năm 2023, tại Hội trường A1, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Viện Địa lí nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Nhân lực trong phát triển du lịch bền vững thời kỳ hậu COVID -19: Một số vấn đề đặt ra”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung năm 2023 của Viện. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Viện cùng toàn thể cán bộ Viện Địa lí nhân văn và một số nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Học viện Khoa học xã hội.

Toàn cảnh hội thảo

        Khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn, chủ trì hội thảo nhấn mạnh: “Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội bị đình trệ, trong đó hoạt động du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, các doanh nghiệp phải dừng hoạt động, đồng nghĩa với việc lao động bị mất việc làm, phải chuyển đổi ngành nghề, sinh kế để duy trì cuộc sống. Vì vậy, để phục hồi và phát triển hiệu quả, hoạt động du lịch cần thiết phải có một chiến lược phát triển mang tính tổng thể với những giải pháp định hướng phát triển hợp lý trên cơ sở tri thức của các ngành khoa học nhằm đảm bảo tính kế thừa, tính thực tiễn trong triển khai. Trong đó, việc giữ chân người lao động, nâng cao năng lực, các kỹ năng cho nhân lực du lịch trở thành bài toán lớn đối với các doanh nghiệp du lịch. Hội thảo hôm nay là diễn đàn cho các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu và góp phần giải bài toán về nhân lực trong phát triển du lịch thời kỳ hậu COVID – 19.

TS. Nguyễn Song Tùng phát biểu khai mạc hội thảo

        Hội thảo được nghe các báo cáo tham luận về nhân lực du lịch của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và các địa phương trong giải quyết vấn đề nhân lực du lịch sau đại dịch COVID-19. Trong đó có một số báo cáo nổi bật như:

        Báo cáo “Phát triển nhân lực trong du lịch sau đại dịch COVID-19” do TS. Trần Thị Tuyết, Trưởng phòng, Phòng Địa lí Dân cư và Văn hóa của Viện Địa lí nhân văn trình bàyBáo cáo tập trung làm rõ một số nội dung về lý luận và yêu cầu về phát triển nhân lực du lịch sau đại dịch COVID-19. Qua báo cáo cho thấy, nguồn nhân lực của ngành du lịch hậu đại dịch COVID -19 đã tác động mạnh đến sự phát triển của ngành du lịch. Việt Nam được đánh giá nằm trong top những nước mà ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất do đại dịch bởi sự suy giảm cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì vậy, việc khôi phục và phát triển nhân lực du lịch đang là yêu cầu cấp bách, nhất là đội ngũ nhân lực có chất lượng. Để giải quyết bài toán nhân lực, cần thiết phải có những chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Báo cáo đã gợi mở một số giải pháp điều chỉnh nhân lực du lịch sau đại dịch COVID-19, đó là sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, sự chủ động của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực và gia tăng nguồn cung nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch.

TS. Trần Thị Tuyết trình bày tham luận tại Hội thảo

        Báo cáo tham luận “Thực trạng nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển trong bối cảnh mới” do PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà (Học viện Khoa học xã hội) trình bày. Báo cáo đã phân tích bức tranh tổng thể về nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam từ năm 2011 đến 2019, đây là giai đoạn phát triển mạnh của ngành du lịch, nguồn nhân lực ngành du lịch cũng thể hiện ngày càng tốt về trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý nhà nước, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên, có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết với nghề nghiệp… Song để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường du lịch, cũng như xu hướng phát triển của những năm tới đây thì số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với yêu cầu thực tế. Sự tác động của đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến năm 2022, khiến 5 nước tại châu Á mất đi 1,6 triệu việc làm trong năm 2020 (theo Tổ chức Lao động Quốc tế- ILO). Tổn thất việc làm liên quan đến du lịch cao  gấp 4 lần so với tổn thất việc làm trong các ngành khác. Theo báo cáo thống kê của 46/63 địa phương về thực trạng nguồn nhân lực du lịch cho thấy, hầu hết các địa phương, đặc biệt là các trọng điểm du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Thuận… đều gặp thách thức về việc thiếu lao động  du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch phát triển bền vững cần quan tâm và nắm bắt được các đặc điểm cơ bản của nhân lực du lịch, từ đó có cách phân loại trong sử dụng, đào tạo, đầu tư và phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp. Trên cơ sở phân tích và đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam, tác giả đã đưa ra một số giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới, cụ thể: Xây dựng các kế hoạch, dự án phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu thực tiễn; Tạo chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực bổ sung và chất lượng cao; Đặc biệt, chú trọng đến việc đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực có chất lượng cho ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch như hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà trình bày tham luận tại Hội thảo

        Báo cáo của TS. Lê Phương Hòa (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) với chủ đề: Nhân lực ngành du lịch của Thái lan sau Đại dịch COVID-19 và một số gợi ý cho Việt Nam”. Báo cáo chỉ rõ ngành du lịch là một trong những đầu tàu kinh tế của Thái Lan. Trước đại dịch COVID-19, Thái Lan đón lượng du khách quốc tế cao kỷ lục, gần 40 triệu lượt người, đóng góp 1.910 tỷ baht (55,43 tỷ USD) cho nền kinh tế nước này. Ngành du lịch chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan. Đại dịch COVID-19 đã khiến lượng khách sụt giảm mạnh kéo theo lực lượng lao động cũng bị ảnh hưởng lớn, nhóm lao động mất việc từ ngành du lịch đã chuyển đổi sang công việc khác. Đến năm 2022, ngành du lịch của Thái Lan phục hồi nhanh chóng, nhưng quốc gia này đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Báo cáo đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn cung lao động đối với ngành du lịch Thái Lan cũng như những giải pháp khá bài bản và đồng bộ mà Thái Lan đã thực hiện, như: Tiến hành khảo sát về nhân lực trên 60 tỉnh thành để xác định chính xác nhu cầu và thực trạng nguồn nhân lực nhằm xác định khoảng trống cần ưu tiên giải quyết; Sự phối hợp giữa các bên liên quan đưa ra các biện pháp tạm thời để giải quyết vấn đề; Đẩy mạnh ứng dụng số trong ngành du lịch; Bù nhân lực từ lao động nhập cư; Sự chủ động của các doanh nghiệp du lịch. Đây là bài học kinh nghiệm gợi mở cho Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực du lịch.

 TS. Lê Phương Hòa trình bày tham luận tại Hội thảo

        Báo cáo tham luận của ThS. Đinh Thị Lam với chủ đề “Giải pháp phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Khánh Hòa sau đại dịch COVID-19. Báo cáo cho thấy, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa trong hai năm 2020-2021, nhiều công ty ngừng hoạt động (phần lớn thuộc các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, vận chuyển khách du lịch, lưu trú du lịch, ăn uống…). Hầu như tất cả các công ty, kể cả công ty lớn nhất đều đã cắt giảm nhân sự, cắt giảm giờ làm, chuyển sang làm việc trực tuyến tại nhà, không tiếp nhận tour mới, thậm chí, nhiều công ty đóng cửa. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, năm 2022, doanh thu du lịch cũng như lượng khách lưu trú bắt đầu tăng trở lại và tạo đà tăng trưởng cho ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa. Nhưng đối nghịch với sự tăng trưởng nhanh trong ngành du lịch, nguồn nhân lực du lịch lại thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Qua phân tích thực trạng nguồn nhân lực tại tỉnh Khánh Hoà, tác giả cũng đã làm rõ một số nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn nhân lực du lịch như: do nguồn thu nhập giảm, việc làm trong ngành du lịch thiếu tính ổn định, nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp còn yếu… Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Khánh Hòa sau đại dịch COVID-19, tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành du lịch tỉnh trong tương lai.

ThS. Đinh Thị Lam trình bày tham luận tại hội thảo

        Các nhà khoa học thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo, như: chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chính sách đối với việc phát triển nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, kinh nghiệm quốc tế và những giải pháp mà các địa phương đã thực hiện trong phục hồi nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay… đã được trao đổi một cách thẳng thắn tại buổi hội thảo. Hội thảo khoa học không chỉ là diễn đàn trao đổi khoa học, còn gợi mở ra một số hướng nghiên cứu phù hợp với thực tiễn và theo đúng nhiệm vụ nghiên cứu của địa lí nhân văn, tạo thêm cơ hội hợp tác trong triển khai nghiên cứu vấn đề phát triển du lịch trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Ngọc

 


Các tin cũ hơn.............................