VIỆN ĐỊA LÝ NHÂN VĂN TỔ CHỨC NGHIỆM THU HỆ ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ NĂM 2024 23/11/2024

   Trong ba ngày 21-23/11/2024, tại hội trường 1A, số 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn đã tổ chức nghiệm thu 13 đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2024. Hội đồng nghiệm thu do TS.Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng làm Chủ tịch Hội đồng. Cụ thể:

1. Đề tài: Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phân tích khả năng tiếp cận không gian tới hệ thống dịch vụ xã hội huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

        Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đặng Thành Trung

        Thông qua tích hợp phương pháp phân tích thứ bậc AHP (Analytic Hierarchy Process) với hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System), đề tài đã xây dựng được bản đồ phân vùng khả năng tiếp cận không gian đến hệ thống dịch vụ xã hội huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đề tài đã phân chia huyện Tiên Yên thành bốn cấp độ tiếp cận dịch vụ xã hội: rất tốt (23,22%), tốt (54,30%), trung bình (12,82%) và kém (9,66%). Các khu vực có khả năng tiếp cận rất tốt và tốt tập trung chủ yếu ở thị trấn Tiên Yên và các xã như Tiên Lãng, Yên Than, Phong Dụ. Đây là những nơi có hạ tầng giao thông phát triển, mật độ đường nhựa và bê tông hóa cao, cùng với vị trí gần các trung tâm hành chính, y tế và giáo dục. Ngược lại, các khu vực có khả năng tiếp cận trung bình và kém tập trung tại các xã vùng núi như Hà Lâu và một số khu vực xa trung tâm, nơi hạ tầng giao thông còn kém phát triển và địa hình phức tạp khiến việc tiếp cận các dịch vụ xã hội trở nên khó khăn. Các kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho việc quản lý, quy hoạch và cải thiện mức độ tiếp cận của người dân đến các dịch vụ cơ bản trong tương lai.

        Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Xuất sắc với số điểm: 93,2/100.

2. Đề tài: Ứng dụng viễn thám và GIS nghiên cứu biến động diện tích rừng ngập mặn huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.

        Chủ nhiệm đề tài: ThS. Lê Thu Quỳnh

        Nghiên cứu cho thấy, phương pháp phân loại có kiểm định kết hợp với khảo sát thực địa giúp cho việc phân loại ảnh viễn thám có độ chính xác cao.Từ kết quả phân loại ảnh viễn thám, đề tài đã thành lập được 02 bản đồ hiện trạng rừng ngập mặn huyện Kim Sơn năm 2015 và năm 2023. Sau khi tiến hành chồng xếp 02 bản đồ hiện trạng, đề tài đã thành lập được bản đồ biến động diện tích rừng ngập mặn giai đoạn 2015 - 2023 và tính toán được biến động diện tích rừng ngập mặn của huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn nghiên cứu từ 2015 - 2023 (8 năm). Tổng diện tích rừng ngập mặn ở huyện Kim Sơn tăng 112,04 ha từ 564,05 ha năm 2015 lên 676,09 ha năm 2023; một số diện tích rừng bị biến đổi (41,38 ha) sang nuôi trồng thủy sản (30,1 ha) và chuyển sang loại đất khác (11,28 ha) là do quá trình xây dựng các tuyến đê biển nhằm chắn sóng, gió bão và tiếp tục lấn biển. Rừng ngập mặn có sự biến động do chịu tác động của nhiều yếu tố về chính sách của Nhà nước liên quan đến việc quản lý và khai thác rừng ngập mặn, trong đó có xây dựng các mô hình kinh tế kết hợp giữa quản lý bảo vệ rừng và nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân sống ven rừng. Các kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quản lý tài nguyên rừng ngập mặn của huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.

        Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm: 84,2/100.

3. Đề tài: Biến đổi cơ cấu lao động qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2018-2022.

        Chủ nhiệm đề tài: ThS. Phạm Mạnh Hà

        Đề tài đã tập trung làm rõ nội hàm các khái niệm lao động, cơ cấu lao động, các loại cơ cấu lao động và biến đổi cơ cấu lao động và phân tích các yếu tố tác động tới tình trạng biến đổi cơ cấu lao động tại tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Kết quả nghiên cứu thực tiễn của đề tài cho thấy tỷ lệ lao động nhóm ngành nông-lâm-thủy sản của huyện Nghi Xuân đã giảm đều trong giai đoạn 2018-2022. Tỷ lệ lao động nhóm ngành công nghiệp-xây dựng tăng lên từ năm 2019-2022. Tỷ lệ lao động nhóm ngành thương mại-dịch vụ có sự tăng lên ở giai đoạn đầu và giảm nhẹ ở giai đoạn sau. Từ các kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất một số số giải pháp để thúc đẩy sự biến đổi cơ cấu lao động theo hướng bền vững cho huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh tập trung vào các nhóm (i) Giải pháp về chính sách; (ii) Giải pháp về giáo dục đào tạo; (iii) Giải pháp về tài chính; (iv) Giải pháp về công nghệ và (v) Giải pháp về công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương.

        Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm: 74,4/100.

4. Đề tài: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch địa chất.

        Chủ nhiệm đề tài: CN. Nguyễn Thị Hằng

        Đề tài đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm phát triển du lịch địa chất tại các công viên địa chất thành công thông qua trường hợp của Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và lựa chọn Nam Phi điển hình cho sự thất bại. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về phát triển du lịch địa chất, gồm: (1) Nâng cao nhận thức, kiến thức về du lịch địa chất; (2) Cách tiếp cận phát triển du lịch địa chất; (3) Phân vùng mức độ bảo vệ trong công viên địa chất; (4) Nâng cao tính giáo dục trong phát triển du lịch địa chất; (5) Ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch địa chất; (6) Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, bộ máy quản lý; (7) Đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông. Từ các kết quả phân tích tài liệu thứ cấp, đề tài cũng chỉ ra những định hướng phát triển du lịch địa chất ở Việt nam trong thời gian tới.

        Đề tài được Hội đồng xếp loại Khá với số điểm:84,8/100.

5. Đề tài: Áp dụng khoa học cộng đồng trong giám sát chất lượng không khí: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam.

        Chủ nhiệm: ThS. Lê Văn Hà

        Khoa học cộng đồng là mô hình, tiếp cận mới trong nghiên cứu, giám sát có sự tham gia của người dân, cộng đồng. Kết nghiên cứu cho thấy, khoa học cộng đồng đã và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển. Việc áp dụng khoa học cộng đồng trong giám sát chất lượng không khí đem đến nhiều lợi ích như bổ sung dữ liệu về chất lượng không khí, nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí,… Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, đề tài đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho áp dụng khoa học cộng đồng vào giám sát chất lượng không khí ở Việt Nam: (1) Thể chế hoá và công nhận khoa học công đồng; (2) Dữ liệu và lựa chọn thiết bị giám sát chất lượng không khí; (3) Thúc đẩy sự tham gia và cam kết lâu dài của cộng đồng; (4) Sử dụng dữ liệu cho hoạch định chính sách. Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đưa ra 5 đề xuất để thúc đẩy áp dụng khoa học cộng đồng trong giám sát chất lượng không khí ở Việt Nam.

        Đề tài được Hội đồng xếp loại Xuất sắc với số điểm trung bình 90,6/100.

6. Đề tài: Tài chính khí hậu - cơ hội cho Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Quỹ Khí hậu xanh.

        Chủ nhiệm đề tài: TS. Lê Hồng Ngọc

        Kết quả nghiên cứu cho thấy, tài chính khí hậu là một vấn đề quan trọng và Quỹ Khí hậu xanh là một cơ hội đối với các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu như Việt Nam. Đề tài đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về tài chính khí hậu, phân tích thực trạng tài trợ tài chính khí hậu của Quỹ Khí hậu xanh, chỉ ra cơ hội tài chính khí hậu từ Quỹ Khí hậu xanh cho Việt Nam và đưa ra một số đề xuất nhằm tận dụng cơ hội tài chính khí hậu từ Quỹ Khí hậu xanh cho Việt Nam. Qua đó, các kết quả của đề tài có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo về tài chính khí hậu nói riêng và ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung đối với Việt Nam.

        Đề tài được Hội đồng xếp loại Khá với số điểm: 82/100.

7. Đề tài: Bảo tồn, phát huy văn hóa vùng ven biển trong phát triển du lịch qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

        Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đinh Thị Lam

        Kết quả nghiên cứu cho thấy, Hậu Lộc có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa trong phát triển du lịch sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân vùng ven biển, mở rộng giao lưu văn hóa, bảo tồn văn hóa vật thể - phi vật thể, tăng tỷ trọng ngành Dịch vụ - Du lịch và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa vùng ven biển trong phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực hạn chế; du khách quá tải vào mùa trọng điểm của các lễ hội; cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu; thiếu vốn để tu bổ, sửa chữa, tôn tạo, gây dựng lại những di tích, nét văn hóa đã bị xuống cấp, mai một; các sản phẩm du lịch văn hóa vùng ven biển chưa thực sự nổi bật nên chưa phát huy hết được nét đẹp truyền thống, chưa thu hút được đa dạng các đối tượng khách du lịch. Từ những thách thức đó, đề tài đã đưa ra quan điểm, định hướng và các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy văn hóa vùng ven biển trong phát triển du lịch tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

        Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm: 84,4/100.

8. Đề tài: Mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên và văn hóa ẩm thực của cư dân ven biển qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

        Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Hòa

        Kết quả nghiên cứu cho thấy, điều kiện tự nhiên tại Tiền Hải và văn hóa ẩm thực của cư dân địa phương có mối quan hệ tương hỗ, gắn bó tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Mối quan hệ này thể hiện ở nguồn hải sản nguyên liệu phong phú mà điều kiện tự nhiên ven biển ban tặng cho cư dân địa phương; ở phương thức bảo quản và chế biến thực phẩm của cư dân để thích ứng với điều kiện tự nhiên; ở việc cư dân địa phương góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên ven biển và những phong tục tập quán, lễ hội của cư dân địa phương gắn liền với biển… Ngược lại, mối quan hệ này cũng thể hiện một sự xung đột phức tạp khi thiên tai, biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên quá mức và ô nhiễm môi trường đã làm thay đổi môi trường sống và ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu, từ đó làm giảm tính phong phú và bền vững của văn hóa ẩm thực địa phương. Đề tài đã đưa ra một số nhóm giải pháp giúp phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên và văn hóa ẩm thực của cư dân ven biển huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

        Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm: 81/100.

9. Đề tài: Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ việc khai thác các di sản văn hóa qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

        Chủ nhiệm đề tài: ThS. NCVC. Đinh Trọng Thu

        Kết quả nghiên cứu cho thấy, huyện Thái Thụy hiện mới phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái tại Cồn Đen (xã Thái Đô) và rừng ngập mặn (xã Thụy Trường). Dù sở hữu nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, huyện vẫn chưa tận dụng hiệu quả để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn. Điều này dẫn đến sự đơn điệu trong các sản phẩm du lịch, thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu của du khách thấp và tiềm năng du lịch chưa được khai thác tối ưu.

        Nghiên cứu cũng đã chỉ ra tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa của huyện Thái Thụy thông qua việc khai thác các yếu tố văn hóa đặc trưng như: (i) hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc - nghệ thuật; (ii) các lễ hội văn hóa dân gian; (iii) làng nghề truyền thống; (iv) tinh hoa ẩm thực địa phương. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tập trung vào các sản phẩm văn hóa đặc thù, tiêu biểu là Di sản văn hóa huyện Thái ThụyHành trình qua thời gian, đồng thời phát triển các sản phẩm trọng điểm như Khám phá đời sống cư dân ven biển. Những định hướng này không chỉ góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững cho du lịch địa phương.

        Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm: 77,6/100

10. Đề tài: Phát triển du lịch ẩm thực tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội: thực trạng và giải pháp.

        Chủ nhiệm đề tài: ThS. NCVC. Bùi Thị Cẩm Tú

        Kết quả nghiên đã tìm hiểu và phân tích được thực trạng phát triển du lịch ẩm thực tại quận Tây Hồ thông qua việc khái quát hóa tình hình cũng như lựa chọn phân tích 03 mô hình phát triển du lịch ẩm thực dựa trên các sản phẩm OCOP của Quận. Phát triển du lịch ẩm thực tại quận Tây Hồ đang có những thành quả đáng kể tuy nhiên còn khá nhỏ lẻ, tự phát do còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đề tài cũng chỉ ra các nhân tố tác động đến việc phát triển du lịch ẩm thực trên địa bàn quận, bao gồm: nhu cầu của du khách đối với sản phẩm du lịch ẩm thực; hệ thống cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách, kế hoạch về phát triển du lịch ẩm thực và tài nguyên phục vụ phát triển du lịch ẩm thực. Từ đó, đề tài đã đề xuất 07 giải pháp nhằm thúc đẩy và tăng cường hiệu quả phát triển du lịch ẩm thực tại quận Tây Hồ trong tời gian tới

        Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm: 86/100.

11. Đề tài: Ô nhiễm vi nhựa từ sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu sông Đáy qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

        Chủ nhiệm đề tài: ThS. Cao Thị Thanh Nga

        Nghiên cứu đã cung cấp những số liệu ban đầu về hàm lượng và đặc tính vi nhựa trong nước thải nông nghiệp nói chung và tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nói riêng. Kết quả cho thấy hàm lượng vi nhựa trong nước dao động từ 240 đến 1120 hạt/m3, trung bình đạt 491 ± 259 hạt/m3. So sánh kích thước giữa các vi nhựa thu được trong nghiên cứu, vi nhựa có kích thước 300 đến 1000 µm xuất hiện nhiều nhất, chiếm 61,5% tổng số hạt vi nhựa. Về hình dạng vi nhựa, có hai loại hình dạng được phát hiện là dạng sợi và dạng mảnh, trong đó, dạng sợi chiếm ưu thế với 94,5%. Bảy màu sắc của vi nhựa được quan sát thấy trong nghiên cứu, với tần số xuất hiện của màu trắng là lớn nhất, tiếp đến là màu đen. Các kết quả này cho thấy sự xuất hiện vi nhựa trong các mẫu nước thải có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghiên cứu bước đầu, do đó cần tiếp tục các nghiên cứu chuyên sâu hơn về vi nhựa trong nước thải nông nghiệp, mở rộng phạm vi và số lượng mẫu quan trắc để có thể kết luận chính xác hơn về mức độ ô nhiễm vi nhựa trong nước thải nông nghiệp.

        Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Xuất sắc với số điểm: 91,6/100.

12. Đề tài: Nghiên cứu dịch vụ điều tiết của hệ sinh thái rừng ngập mặn qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.

        Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Thu Hà

        Kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch vụ điều tiết của RNM ven biển Kim Sơn bao gồm 3 loại hình chính: cô lập cacbon (hấp thụ khí CO₂), làm sạch nitơ, phôt pho từ nuôi trồng thủy sản ven biển, chắn sóng phòng hộ đê biển.  Dựa trên các phương pháp chuyển giao giá trị, kết hợp phương pháp giá trị thay thế và giá thị trường, nhiệm vụ ước tính giá trị cắt giảm CO₂ của rừng ngập mặn Kim Sơn là 157,98 triệu đồng/ha/năm; giá trị phòng hộ của rừng ngập mặn Kim Sơn là 29,55 triệu/ha/năm; giá trị xử lý nước thải nuôi tôm là: 22,28 triệu/ha/năm. Các nhân tố ảnh hưởng tới rừng ngập mặn Kim Sơn nói chung và các dịch vụ điều tiết nói riêng gồm có sự phát triển kinh tế khu vực ven biển (nuôi trồng thủy sản) và áp lực tăng dân số. Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất một số giải pháp: rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản, rừng ngập mặn; tuyên truyền nâng cao hiểu biết về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, quản lý hiệu quả môi trường nuôi trồng thuỷ sản, các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả phòng hộ đê biển, cô lập cacbon, xử lý nước thải nuôi trồng thuỷ sản.

        Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Xuất sắc với số điểm: 90,4/100.

13. Đề tài: Đánh giá tính bền vững trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên bãi bồi ven biển huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

        Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Huyền Thu

        Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên bãi bồi ven biển huyện Tiền Hải đạt giá trị trung bình 0,54 theo thang điểm 0-1. Trong đó, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp nhất 0,37 chủ yếu do thiếu đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật sản xuất. Bền vững xã hội đạt 0,65, phản ánh sự nâng cao nhận thức cộng đồng, nhưng vẫn tồn tại mâu thuẫn trong việc sử dụng tài nguyên. Bền vững môi trường đạt 0,59, với sự cải thiện về vệ sinh nhưng còn gặp khó khăn do lạm dụng hóa chất và ô nhiễm nguồn nước. Từ các kết quả nghiên cứu, đề tài đã đưa ra các nhóm giải pháp cho từng hợp phần nhằm sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên bãi bồi, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng trong quản lý tài nguyên, hoàn thiện cơ chế giám sát và kiểm soát ô nhiễm, cũng như cải thiện nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên. Bên cạnh đó, các giải pháp bảo vệ môi trường như giảm sử dụng hóa chất, nâng cao chất lượng nguồn nước và bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn sẽ giúp duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ tài nguyên bãi bồi ven biển Tiền Hải

        Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá với số điểm: 87,4/100.

Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu hệ đề tài cơ sở năm 2024

        Hội đồng Nghiệm thu đánh giá cao các chủ nhiệm đề tài đã cố gắng thực hiện đề tài đúng tiến độ, bám sát thuyết minh đã được phê duyệt. Các đề tài về cơ bản đã đảm bảo tính lý luận và thực tiễn. Bên cạnh kết quả đạt được, Hội đồng cũng đưa ra các nhận xét, góp ý khoa học, thiết thực và cụ thể nhằm giúp cho các chủ nhiệm đề tài nghiên cứu hoàn thiện báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài.

Đoàn Thị Thu Hương


Các tin cũ hơn.............................