Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ: “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) xây dựng bản đồ phân vùng du lịch mạo hiểm tỉnh Bình Thuận” 31/10/2024

   Chiều ngày 31/10/2024, Viện Địa lý nhân văn đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) xây dựng bản đồ phân vùng du lịch mạo hiểm tỉnh Bình Thuậndo TS. Nguyễn Xuân Hòa làm chủ nhiệm theo Quyết định số 188/QĐ-ĐLNV ngày 25/10/2024 của Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn về việc thành lập Hội đồng cơ sở nghiệm thu đề tài cấp Bộ.

 

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

        Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Xuân Hòa đã trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu của đề tài. Nội dung Đề tài gồm 3 chương:

        Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về ứng dụng GIS trong nghiên cứu phân vùng du lịch mạo hiểm

        Chương 2: Các nhân tố tác động tới phát triển du lịch mạo hiểm tỉnh Bình Thuận

        Chương 3: Xây dựng bản đồ phân vùng du lịch mạo hiểm tỉnh Bình Thuận và khuyến nghị khai thác.

        Theo Báo cáo của Chủ nhiệm đề tài, đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận về Du lịch mạo hiểm bao gồm các khái niệm về tài nguyên du lịch, khái nhiệm du lịch mạo hiểm, sản phẩm du lịch, lý thuyết về vùng và phân vùng; các nội dung cơ bản của hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong nghiên cứu du lịch mạo hiểm, trong đó có xây dựng một bộ tiêu chí để phân vùng du lịch mạo hiểm và quy trình gồm 5 bước xây dựng bản đồ phân vùng du lịch mạo hiểm. Ngoài cơ sở lý thuyết đề tài cũng trình bày cơ sở thực tiễn với kinh nghiệm phát triển du lịch mạo hiểm ở Việt Nam và một số nước trên thế giới gồm: Pháp, Thái Lan, Nhật Bản, Mexico, Colombia, Bolivia… từ đó cũng rút ra được một số bài học cho phát triển du lịch mạo hiểm ở Bình Thuận.

        Đề tài đã phân tích các nhân tố tác động tới sự phát triển du lịch mạo hiểm của tỉnh Bình Thuận với các đặc điểm về điều kiện tự nhiên (địa chất – lớp vỏ phong hóa, địa hình, khí hậu, thủy – hải văn, thổ nhưỡng); các đặc điểm về điều kiện kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận với các tài nguyên tự nhiên và nhân văn, hiện trạng phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn vừa qua. Từ đó rút ra đánh giá du lịch của tỉnh còn chưa mạnh và chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có.

        Đề tài tiến hành xây dựng hệ thống tiêu chí áp dụng phân vùng du lịch mạo hiểm với các tham số chính (kiểu vỏ phong hóa, địa hình, kiểu đất, độ cao, độ dốc, sử dụng đất) và các trọng số tương ứng với từng tham số. Từ đó xây dựng bản đồ phân vùng du lịch mạo hiểm của tỉnh Bình Thuận với 5 mức độ tiềm năng gồm: khu vực có tiềm năng ở mức rất cao chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi phía Tây Bắc và Tây Nam tỉnh thuộc các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh; Khu vực có tiềm năng ở mức cao nằm ở phía Tây Bắc và Tây Nam và một số xã phía tây của tỉnh giáp với tỉnh Lâm Đồng (khu vực huyện Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi, Hàm Tân; khu vực thành phố Phan Thiết – Mũi Né, huyện Bắc Bình); Khu vực có tiềm năng trung bình phân bố dọc theo rìa của các dãy núi thấp ở phía tây tỉnh thuộc các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, 1 ít thuộc huyện Tuy Phong và một số các xã ven biển; Khu vực có tiềm năng ở mức độ thấp Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và 1 ít thuộc huyện Tuy Phong; Khu vực tiềm năng ở mức rất thấp phân bố thành các diện hẹp ở các xã Suối Kiết, Tân Lập, Hàm Minh thuộc huyện Hàm Thuận Nam, một ít thuộc xã Sông Bình, Lương Sơn huyện Bắc Bình.

        Từ các kết quả nghiên cứu thực tiễn, đề tài đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác tối đa hiệu quả của bản đồ phân vùng du lịch mạo hiểm của tỉnh với các giải pháp tổng thể như phát triển du lịch biển đảo và ven biển theo hướng nghỉ dưỡng và du lịch mạo hiểm trở thành một ưu tiên quan trọng; Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trong đó có du lịch mạo hiểm; Đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch mạo hiểm, vui chơi giải trí chất lượng cao; Phát triển du lịch mạo hiểm gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia. Quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo, đem lại lợi ích từ hoạt động du lịch cho người dân địa phương;  Hợp tác kết nối tour du lịch mạo hiểm trên thế giới và các vùng trong cả nước. Ngoài ra đề tài còn định hướng phát triển du lịch mạo hiểm cho từng vùng - khu vực của tỉnh với từng loại hình cụ thể ứng với các thế mạnh riêng của vùng.

        Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài; các sản phẩm và nội dung báo cáo của đề tài đã đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu và nội dung theo hợp đồng đã kí với Viện Hàn lâm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá đạt yêu cầu và đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số điểm theo góp ý để nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Lê Thu Quỳnh

 


Các tin cũ hơn.............................