Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ: “Ảnh hưởng của phát triển các khu công nghiệp đến môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Nam” 31/10/2024

   Thực hiện Quyết định số 191/QĐ-ĐLNV ngày 25/10/2024 của Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn về việc thành lập Hội đồng cơ sở nghiệm thu đề tài cấp Bộ, chiều ngày 31/10/2024, Viện Địa lý nhân văn đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ “Ảnh hưởng của phát triển các khu công nghiệp đến môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Nam” do TS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt làm chủ nhiệm, Viện Địa lý nhân văn là tổ chức chủ trì.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

        Thay mặt nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Nguyệt đã trình bày Báo cáo tóm tắt Đề tài “Ảnh hưởng của phát triển các khu công nghiệp đến môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Nam”. Nội dung Đề tài gồm 3 chương:

        Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về ảnh hưởng phát triển khu công nghiệp  (KCN) đến môi trường vùng ven biển.

        Chương 2: Thực trạng ảnh hưởng phát triển khu công nghiệp đến môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Nam.

        Chương 3: Đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của phát triển khu công nghiệp đến môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Nam.

        Theo Báo cáo của Chủ nhiệm đề tài, đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận về khu công nghiệp, môi trường và mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường. Khu công nghiệp là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng đi kèm với đó là những tác động không nhỏ đến môi trường, đặc biệt là khu vực ven biển. Quá trình phát triển công nghiệp có thể dẫn đến những hệ quả như ô nhiễm không khí, nước, và đất, làm suy giảm hệ sinh thái tự nhiên. Từ thực tiễn các quốc gia khác, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình khu công nghiệp sinh thái trong việc bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường, đưa ra các bài học kinh nghiệm cho Quảng Nam trong phát triển KCN gắn với bảo vệ môi trường.

        Nghiên cứu thực tiễn cho thấy, mặc dù phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Nam đã đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, và thu hút đầu tư, song cũng gây ra nhiều thách thức đối với môi trường. Cụ thể, các ngành sản xuất như sản xuất gạch nung, chế biến thủy sản, và cơ khí lắp ráp ô tô đã phát sinh bụi, khí độc (CO, SO₂, NOx) và mùi hôi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí. Khảo sát cho thấy việc phát triển các KCN đã tác động đến sức khỏe và đời sống người dân, với 60,8% số người dân cho biết họ mắc các bệnh về đường hô hấp ở mức độ từ trung bình đến cao, do tiếp xúc với khí thải và bụi từ các KCN. Mùi hôi, tiếng ồn, và ô nhiễm không khí cũng gây căng thẳng tâm lý, làm giảm chất lượng cuộc sống của cư dân trong khu vực;  Các con sông như Tam Kỳ và Trường Giang đã chịu tác động từ nước thải công nghiệp và sinh hoạt, với các chỉ số BOD, COD và TSS vượt ngưỡng cho phép; Bên cạnh đó, công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại các KCN tỉnh Quảng Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Một số KCN chưa đầu tư đồng bộ vào hạ tầng xử lý, dẫn đến tình trạng công nghệ lạc hậu hoặc vận hành không ổn định. Sự chồng chéo trong quản lý và hạn chế về thẩm quyền của Ban Quản lý KCN gây chậm trễ trong giám sát và xử lý vi phạm, trong khi công tác phối hợp giữa các cơ quan vẫn chưa hiệu quả. Nguồn lực và nhân sự chuyên môn cũng còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu giám sát và xử lý sự cố kịp thời.

        Trên cơ sở phân tích thực trạng, đề tài đã đề xuất nhiều giải pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực từ khu công nghiệp và hướng tới phát triển bền vững. Các giải pháp chính bao gồm: (1) Tăng cường năng lực quản lý và giám sát môi trường thông qua kiện toàn bộ máy, đầu tư đội ngũ nhân sự chuyên trách và ứng dụng công nghệ quan trắc tự động. Cần phân cấp rõ ràng quyền hạn cho Ban Quản lý Khu kinh tế và KCN để nâng cao hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm môi trường; (2) Hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường, đảm bảo các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải và chất thải tập trung đạt chuẩn. Các cơ sở sản xuất vi phạm về xả thải cần được xử lý nghiêm khắc và bắt buộc đầu tư nâng cấp hạ tầng xử lý; (3) Thiết lập cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ xanh và sản xuất sạch hơn. Cần xây dựng các quy định khắt khe về môi trường trong quá trình cấp phép đầu tư và công khai danh sách doanh nghiệp vi phạm để tạo sức ép cải thiện trách nhiệm xã hội; (4) Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về bảo vệ môi trường. Khuyến khích cộng đồng tham gia giám sát và phản ánh các sai phạm, đồng thời hỗ trợ lao động địa phương thông qua đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

        Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài; các sản phẩm và nội dung báo cáo của đề tài đã đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu và nội dung theo hợp đồng đã kí với Viện Hàn lâm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá đạt yêu cầu và đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số điểm theo góp ý để nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Nguyễn Thị Huyền Thu

 

 


Các tin cũ hơn.............................