Thực hiện Quyết định số 187/QĐ-ĐLNV của Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn về việc thành lập Hội đồng cơ sở nghiệm thu đề tài cấp Bộ, sáng ngày 31/10/2024, Viện Địa lý nhân văn đã tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ “Đời sống kinh tế - xã hội của cư dân sau chương trình bố trí dân cư trên các đảo tiền tiêu thuộc Vịnh Bắc Bộ (nghiên cứu trường hợp đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng)” do TS. Đoàn Thị Thu Hương làm chủ nhiệm, Viện Địa lý nhân văn là tổ chức chủ trì.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đoàn Thị Thu Hương trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu của đề tài. Nội dung của đề tài gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về đời sống kinh tế - xã hội của người dân sau chương trình bố trí dân cư trên đảo
Chương 2: Thực trạng đời sống kinh tế - xã hội của cư dân sau bố trí dân cư trên đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng
Chương 3: Giải pháp đảm bảo và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cư dân đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng và một số kiến nghị cho các đảo tiền tiêu thuộc Vịnh Bắc Bộ
Toàn cảnh nghiệm thu
Theo Báo cáo của Chủ nhiệm đề tài, về cơ sở lý luận, đề tài đã hệ thống hóa các khái niệm và sử dụng các lý thuyết về lực hút – lực đẩy và mô hình quản lý xã hội tổng hợp để xem xét việc bố trí dân cư và đảm bảo đời sống kinh tế - xã hội của cư dân. Đề tài cũng chỉ ra những nhóm nhân tố ảnh hưởng tới đời sống kinh tế - xã hội của người dân tại các đảo tiền tiêu, đó là các yếu tố điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, đặc điểm chính trị khu vực, vai trò của nhà nước và các đặc điểm của cư dân. Bên cạnh đó, thông qua nghiên cứu kinh nghiệm bố trí dân cư và đảm bảo đời sống cư dân sau chương trình bố trí dân cư 2 đảo tiền tiêu (đảo Trần, đảo Cồn Cỏ) để rút ra bài học cho đảo Bạch Long Vĩ.
Đề tài đã nghiên cứu thực trạng đời sống kinh tế, văn hóa- xã hội, chính trị của người dân trên đảo Bạch Long Vĩ. Kết quả cho thấy, cuộc sống người dân trên đảo đã cơ bản được đảm bảo và cải thiện trên tất cả các phương diện từ thu nhập, cơ hội phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, điện, nước sạch, giao thông, y tế, giáo dục, thông tin, thực hành văn hóa, tôn giáo…. Bên cạnh đó, đề tài cũng chỉ ra những hạn chế trong việc đảm bảo và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cư dân sau bố trí dân cư đảo Bạch Long Vĩ và các đảo tiền tiêu thuộc Vịnh Bắc Bộ như về chính sách hỗ trợ đất, nhà ở chưa phù hợp, nhà cửa của cư dân đã xuống cấp; chất lượng giáo dục và tổ chức các cấp học còn hạn chế, học sinh từ cấp hai trở lên đều phải về đất liền sinh sống và học tập; chất lượng y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên đảo; thu nhập của người dân tuy đã được cải thiện nhưng chưa cao do sinh kế chủ yếu từ đánh bắt, chế biến thủy sản nhưng hiện nay nguồn lợi thủy sản và số lượng tàu cá, tiếp nhiên liệu giảm; giao thông đi lại giữa các đảo và đất liền còn nhiều khó khăn, chưa có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đầu tư ra đảo; hệ thống xử lý nước thải và rác thải chưa có và quy hoạch tổ chức không gian chưa chú trọng theo hướng hài hòa thiên nhiên, thân thiện môi trường…
Trước những khó khăn trên đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao đời sống người dân trên đảo Bạch Long Vĩ bao gồm: nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, quy hoạch, cơ sở hạ tầng… đồng thời đưa ra kiến nghị cho các đảo tiền tiêu Vịnh Bắc Bộ.
Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài; các sản phẩm và nội dung báo cáo của đề tài đã đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu và nội dung theo hợp đồng đã kí với Viện Hàn lâm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá đạt yêu cầu và đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số điểm theo góp ý để nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nguyễn Thị Hằng