Thực hiện Quyết định số 189/QĐ-ĐLNV ngày 25/10/2024 của Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn về việc thành lập Hội đồng cơ sở nghiệm thu đề tài cấp Bộ, sáng ngày 31/10/2024, Viện Địa lý nhân văn đã tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ “Liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ một số nông sản tại tỉnh Nam Định và Thái Bình” do TS. Bùi Thị Vân Anh làm chủ nhiệm, Viện Địa lý nhân văn là cơ quan chủ trì.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Bùi Thị Vân Anh, chủ nhiệm đề tài đã trình bày Báo cáo tóm tắt của Đề tài. Nội dung Đề tài gồm 4 chương:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận về liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
Chương 2. Thực trạng liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ một số nông sản tại tỉnh Thái Bình và Nam Định
Chương 3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tại Nam Định và Thái Bình
Chương 4. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy liên kết có hiệu quả giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tại tỉnh Nam Định và Thái Bình
Theo Báo cáo của Ban Chủ nhiệm Đề tài, đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận về liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, những nội dung của liên kết kinh tế giữa hộ nông dân va doanh nghiệp, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đề tài cũng đã tập trung khảo sát về thực trạng liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản (lúa, rau mầu) tại Thái Bình và Nam Định, chỉ rõ những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của những vấn đề này trong liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tại Thái Bình và Nam Định hiện nay.
Nghiên cứu cho thấy, liên kết kinh tế giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Thái Bình và Nam Định đã được các cấp chính quyền quan tâm và đã đạt được một số kết quả như: Quy mô, số lượng thực hiện liên kết tại hai tỉnh có sự gia tăng hằng năm và phát triển theo hướng tích cực, dần khắc phục được nhược điểm của mô hình kinh tế nhỏ lẻ, manh mún; Liên kết kinh tế giữa hộ nông dân và doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả đáng kể về kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, đề tài đã chỉ ra những hạn chế liên kết của khu vực này như: Quy mô, số lượng thực hiện liên kết kinh tế giữa hộ nông dân với doanh nghiệp còn chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương; Chất lượng thực hiện liên kết kinh tế giữa hộ nông dân và doanh nghiệp còn nhiều bất cập…. Đề tài cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân của vấn đề này như: một số bất cập trong chính sách tập trung tích tụ ruộng đất, tâm lý giữ đất, ý thức tuân thủ pháp luật trong thực hiện liên kết của người nông dân còn hạn chế, năng lực tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã, năng lực sản xuất của hộ nông dân còn nhiều hạn chế….Trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận, kết quả đánh giá thực trạng cũng như phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ một số nông sản ở tỉnh Thái Bình và Nam Định, đề tài đề xuất một số pháp thúc đẩy liên kết có hiệu quả của nông dân và doanh nghiệp trong thời gian tới, bao gồm: Các giải pháp liên quan đến chính sách của Nhà nước; Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị, xã hội trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về liên kết, tập huấn, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; Nâng cao năng lực, tính chủ động và ý thức pháp luật của hộ nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; Nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với hộ nông dân.
Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài; các sản phẩm và nội dung báo cáo của đề tài đã đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu và nội dung theo hợp đồng đã kí với Viện Hàn lâm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá đạt yêu cầu và đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số điểm để được nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nguyễn Thị Hòa