Hội thảo khoa học: Chính sách và mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển 11/10/2024

   Ngày 11/10/2024, tại TP Vũng Tàu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Chính sách và mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển theo Luật Bảo vệ môi trường 2020”. PGS.TS. Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, ông Phạm Quốc Đăng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh BR-VT đồng chủ trì Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo

Chủ trì Hội thảo

        Tham dự Hội thảo có hơn 150 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ/ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Sở TN&MT các tỉnh/thành phố, đại diện các tổ chức quốc tế UNDP, WWF tại Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch, đại diện huyện ủy/UBND các huyện đảo, cơ quan/viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà khoa học... trong cả nước.

        Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Việt Nam có lợi thế về bờ biển dài, nhiều bãi biển và đảo đẹp thu hút nhiều khách du lịch, kéo theo đó là sự gia găng đáng kể lượng chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, quản lý chất thải trên đảo vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như chưa quy định, phân luồng chất thải một cách thống nhất; chưa phân loại được chất thải tại nguồn, thiếu trang thiết bị, phương tiện thu gom... Ngoài ra, với đặc thù các đảo, việc áp dụng các giải pháp, mô hình thu gom gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về phương tiện, kỹ thuật, khoảng cách, hình thức thu gom, xử lý...

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo

        Do vậy, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn cho rằng, để mục tiêu phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn đi vào cuộc sống thiết thực, phải có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và từng người dân. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong bảo vệ môi trường. Với quy định này, sẽ góp phần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng dân cư với bảo vệ môi trường. Cụ thể là phát huy tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung, sự sáng tạo và duy trì các sáng kiến gắn với địa bàn, lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, quê hương của cộng đồng dân cư đối với môi trường. Qua đó sẽ hình thành, thúc đẩy và duy trì hiệu quả các mô hình chung tay bảo vệ môi trường ngay tại cơ sở như mô hình đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp, phân loại rác tại nguồn...

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

        Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Quốc Đăng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai nhiều giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để bảo đảm mục tiêu phát triển của tỉnh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để việc phân loại tại nguồn, xử lý CTRSH đi vào cuộc sống thiết thực đối với tổ chức, cá nhân, thì phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và từng người dân. Vì vậy, thông qua Hội thảo ngày hôm nay, Tôi mong muốn được tiếp thu, chia sẻ kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhà đầu tư trong việc thực hiện các nội dung, cách làm hay, bài học kinh nghiệm về phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương trong cả nước. Sự kiện càng có ý nghĩa hơn khi việc phân loại rác tại nguồn bắt buộc phải thực hiện từ ngày 01/01/2025.

        Tại Hội thảo, đại diện các địa phương như Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc đã chia sẻ, trao đổi về những mô hình, giải pháp cũng như những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý chất thải tại địa phương.

        Ông Đoàn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho biết, đảo Phú Quốc đón khoảng 3 triệu lượt khách mỗi năm, Phú Quốc đối mặt với áp lực lớn từ rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Mỗi ngày phát sinh khoảng 190 tấn chất thải rắn, 89% trong số này được thu gom và xử lý theo hai phương pháp là chôn lấp và đốt tại 6 bãi rác tập trung. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: thu gom, vận chuyển, chưa đảm bảo thu gom triệt để, chất thải rắn phát sinh từ hộ gia đình, các cơ sở không phải hộ gia đình và các khu vực du lịch, công cộng, chợ truyền thống. Việc phân loại chất thải chưa có chương trình phân loại tại nguồn được thực hiện gây khó khăn trong việc xử lý.

Ông Đoàn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc phát biểu

Ông Đoàn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc phát biểu

        Ngoài ra, theo ông Tiến, việc chưa có cơ sở hạ tầng của hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt như: trạm trung chuyển để tập hợp các loại chất thải, các loại chất thải sau khi được phân loại, để tối ưu các hoạt động vận chuyển để các cơ sở xử lý cho từng loại chất thải; cơ sở xử lý chất thải rắn hữu cơ/cơ sở làm phân hữu cơ; các cơ sở thu hồi vật liệu có thể tái chế được; bãi chôn lấp hợp vệ sinh để chôn lấp chất thải rắn còn lại sau phân loại, hoặc chất thải rắn chưa phân loại hoặc nhà máy xử lý...

Ông Ngô Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) phát biểu

Ông Ngô Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) phát biểu

        Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung thảo luận, chia sẻ về một số mô hình, giải pháp, kinh nghiệm của các địa phương trong thực hiện chính sách, quy định phân loại rác tại nguồn; đánh giá các kết quả, vấn đề còn tồn tại trong thực hiện các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các huyện đảo, xã đảo và vùng ven biển. Từ đó, đề xuất các giải pháp về chính sách quản lý, giải pháp xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên đảo và vùng ven biển phù hợp với quy định.

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) trao đổi tại Hội thảo

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) trao đổi tại Hội thảo

        Chai sẻ về kinh nghiệm của các địa phương, PGS.TS. Kiều Thị Kính - Đại học Đà Nẵng (tư vấn trưởng của dự án) cho biết, TP.Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân nhằm hướng đến phương án thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích trước năm 2025 theo Luật Bảo vệ môi trường.

PGS.TS. Kiều Thị Kính chia sẻ về mô hình tại Hội An

PGS.TS. Kiều Thị Kính chia sẻ về mô hình tại Hội An

        PGS. Kính cho rằng, muốn thu phí rác thì liên quan mật thiết đến phân loại rác tại nguồn. Khi phân loại tốt, mục tiêu giảm rác thải sẽ có. Túi mà TP.Hội An bán cho người dân đã được quy ra trọng lượng, nếu phát thải càng nhiều thì buộc phải nộp tiền rác càng nhiều. Vì vậy, người dân phải giảm phát thải, trong đó rác mềm tự xử lý được sẽ giảm nhiều chi phí hằng tháng cho người dân. Theo luật Bảo vệ môi trường từ ngày 1.1.2025, nếu hộ dân nào không xử lý, phân loại rác thì sẽ bị phạt.

TS. Chu Mạnh Trinh - Tư vấn dự án quản lý chất thải UNDP Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và mô hình quản lý chất thải tại </br> các đảo trên thế giới

TS. Chu Mạnh Trinh - Tư vấn dự án quản lý chất thải UNDP Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và mô hình quản lý chất thải tại các đảo trên thế giới

        Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn cho rằng, việc thực hiện quy định quản lý CTRSH tại các đảo và khu vực ven biển đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, thì phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn là biện pháp thiết yếu để giảm khối lượng rác cần xử lý và tăng cường tái chế. Các đảo nên xây dựng các cơ sở tái chế rác thải tại chỗ, giúp giảm chi phí vận chuyển và xử lý rác.Đồng bộ hạ tầng xử lý rác thải: từ khâu phân loại, đến thu gom, vận chuyển (phải đồng bộ, tránh tình trạng phân loại nhưng lại gom chung). Đặc biệt, để chính sách phân loại rác tại nguồn thành công, cần phát huy vai trò của cộng đồng trong thực hiện mô hình, giám sát dựa vào cộng đồng…  bởi chỉ khi người dân, cộng đồng thực sự vào cuộc khi đó mới bền vững.

        PGS.TS. Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước; thực hiện tư vấn chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, Lãnh đạo Viện Hàn lầm cũng sẽ tiếp tục tổ chức cá hoạt động nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Chính phủ trong thực hiện các chính sách, giải pháp bảo vệ môi trường, quản lý chất thải sinh hoạt, đặc biệt là tại các đảo và khu vực ven biển, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Nguyễn Đình Đáp

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Hoi-thao-khoa-hoc-Chinh-sach-va-mo-hinh-phan-loai-thu-gom-van-chuyen-xu-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-tai-cac-dao-va-khu-vuc-ven-bien-1584