Trong 2 ngày 8-9/10/2024, tại Hội trường 1B, số 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề nghiên cứu trọng tâm trong lĩnh vực địa lý nhân văn năm 2024”.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Viện cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu của Viện Địa lý nhân văn. Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng -Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, chủ trì Hội thảo nhấn mạnh, năm 2024, Viện Địa lý nhân văn triển khai thực hiện 13 đề tài cơ sở nhằm nghiên cứu một vấn đề trong lĩnh vực địa lý nhân văn. Do đó hội thảo là cơ hội để các chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài cơ sở năm 2024 đã triển khai và lắng nghe góp ý từ các đại biểu, các nhà khoa học để hoàn thiện báo cáo tổng hợp trước khi tiến hành nghiệm thu hệ đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2024.
TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn
phát biểu khai mạc Hội thảo
Các báo cáo được trình bày trong Hội thảo tập trung vào các lĩnh vực địa lý dân cư và văn hóa, địa lý kinh tế và chính trị, địa lý sinh thái và môi trường và nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) gồm:
1- Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ việc khai thác các di sản văn hóa qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình do ThS.NCVC. Đinh Trọng Thu trình bày.
2 - Bảo tồn, phát huy văn hóa vùng ven biển trong phát triển du lịch qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa do ThS. Đinh Thị Lam trình bày.
3- Biến đổi cơ cấu lao động qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2018-2022 do ThS. Phạm Mạnh Hà trình bày.
4- Mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên và văn hóa ẩm thực của cư dân ven biển qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình do ThS.NCVC. Nguyễn Thị Hòa trình bày.
5- Nghiên cứu dịch vụ điều tiết của hệ sinh thái rừng ngập mặn qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình do ThS.NCVC. Nguyễn Thị Thu Hà trình bày.
6- Đánh giá tính bền vững trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên bãi bồi ven biển huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình do ThS. Nguyễn Thị Huyền Thu trình bày.
7- Ô nhiễm vi nhựa từ sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu sông Đáy qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình do ThS. NCVC. Cao Thị Thanh Nga trình bày.
8- Áp dụng khoa học cộng đồng trong giám sát chất lượng không khí: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam do ThS. Lê Văn Hà trình bày.
9- Tài chính khí hậu - cơ hội cho Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Quỹ Khí hậu xanh do TS. Lê Hồng Ngọc trình bày.
10- Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch địa chất do CN. Nguyễn Thị Hằng trình bày.
11- Phát triển du lịch ẩm thực tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội: thực trạng và giải pháp do ThS. NCVC. Bùi Thị Cẩm Tú trình bày.
12- Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phân tích khả năng tiếp cận không gian tới hệ thống dịch vụ xã hội huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh do ThS. Đặng Thành Trung trình bày.
13- Ứng dụng viễn thám và GIS nghiên cứu biến động diện tích rừng ngập mặn huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình do ThS. NCVC. Lê Thu Quỳnh trình bày.
Các diễn giả trình bày tại Hội thảo
Sau khi nghe các báo cáo trình bày, các nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện các báo cáo kết quả nghiên cứu của các đề tài, từ đó gợi mở những hướng nghiên cứu mới trong năm 2025.
Mai Hải Linh