Bảo tồn các di sản thiên nhiên tránh tác động từ xã hội hoá 18/09/2024

   Ngày 18/9, tại Ninh Bình, Viện Địa lý Nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tác động của các Dự án phát triển tới môi trường và cảnh quan các di sản thiên nhiên tại Việt Nam”, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản hướng tới việc cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

anh-chup-man-hinh-2024-09-18-luc-16.55.42.png

Bà Nguyễn Song Tùng – Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc

        Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Song Tùng – Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, tại Việt Nam hiện nay, có không ít điểm di sản thiên nhiên đã và đang trở thành những điểm đến thu hút một lượng lớn khách du lịch, một mặt tạo ra các tác động tích cực như tăng doanh thu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, quảng bá giá trị di sản…, mặt khác gây ra các tác động tiêu cực như xói mòn di sản, quá tải hạ tầng, mất cân bằng sinh thái…

        Trong những năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường với các chủ đề về tiêu dùng bền vững, đa dạng sinh học, văn phòng xanh, chất thải nhựa, 3R, hành động vì thiên nhiên, tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn,… Trong đó, việc bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là một trong những trách nhiệm quan trọng, yêu cầu các bên có liên quan cần có nhận thức đúng đắn và hành động kịp thời.

        Thông qua Hội thảo lần này, TS. Nguyễn Song Tùng mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, các cơ sở khoa học từ các nhà khoa học, các chuyên gia trong việc bảo tồn, phát huy và khai thác bền vững các giá trị di sản thiên nhiên phục vụ sự phát triển chung của đất nước, từ đó, bà hy vọng mỗi cá nhân trong cộng đồng, xã hội sẽ có những thay đổi về nhận thức và hành vi trong cuộc sống hàng ngày, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

anh-chup-man-hinh-2024-09-18-luc-16.55.01.png

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang – Đại diện Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An trình bày tham luận

        Bà Nguyễn Thị Huyền Trang – Đại diện Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã nêu lên thực trạng và công tác bảo vệ môi trường tại khu di sản văn hoá Tràng An.

        Theo kết quả khảo sát năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã đón trên 6,5 triệu lượt khách du lịch, gần 500 ngàn lượt khách quốc tế. Qua 6 tháng đầu năm 2024, số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 6,28 triệu lượt khách, tăng 38,47% so với cùng kỳ năm trước, đạt 83,76% so với kế hoạch năm 2024. Cùng với đó, 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ước đón 6,52 triệu lượt khách, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 86,93% so với kế hoạch năm 2024. Với con số khách du lịch và tốc độ đô thị hoá đang gia tăng, đồng nghĩa với việc công tác bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường cần được tăng cường.

        Theo đó, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã tập trung thực hiện nhiều nội dung trong Quyết định và Kế hoạch của UBND tỉnh để bảo tồn di tích, trong đó, Ban đã phối hợp với các ngành chức năng, địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, du lịch gắn với bảo vệ môi trường; điều phối các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang đầu tư khai thác du lịch; đề xuất với UBND tỉnh triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án bảo tồn gắn với bảo vệ môi trường; phối hợp, liên kết với các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước về các vấn đề đa dạng sinh học, văn hoá lịch sử, địa chất – địa mạo, khảo cổ học,…

anh-chup-man-hinh-2024-09-18-luc-16.56.28.png

Toàn cảnh Hội thảo

        Đồng thời, Ban cũng thực hiện công tác tuần tra, giám sát, đảm bảo trật tự xây dựng; cơ sở kinh doanh lưu trú; kiểm tra giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường và các hoạt động khác có liên quan đến bảo vệ cảnh quan môi trường. Ghi nhận kết quả: Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã thực hiện 1.348 lượt tuần tra, qua công tác tuần tra đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành có liên quan trong khu Di sản kịp thời phát hiện các trường hợp sai phạm để kiến nghị xử lý theo thẩm quyền

        Ngoài ra, để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản không chỉ riêng Danh thắng Tràng An mà còn các di sản khác tại Việt Nam, bà Huyền Trang đưa ra một số đề xuất, như tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng bảo vệ môi trường qua việc tuyên truyền, các hoạt động bảo tồn di sản; tập trung nguồn vốn cho phát triển văn hoá thông qua nguồn ngân sách Nhà nước, các dự án, chương trình, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp,…; định kỳ đánh giá tác động môi trường trong khu di sản; phát huy vai trò của cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và xã hội hoá các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; và tăng cường trao đổi, hợp tác phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong công tác bảo tồn di sản.

anh-chup-man-hinh-2024-09-18-luc-16.54.09.png

ThS. Bùi Thị Thuý Nga – Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới trình bày tham luận

        Tại Hội thảo, ThS. Bùi Thị Thuý Nga – Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới đã chỉ ra các thách thức trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, di sản thiên nhiên vùng hải đảo tại Phú Quốc - Việt Nam, trong đó bao gồm: Tác động của biến đổi khí hậu; phân bố dân cư không đồng đều; cơ chế quản lý đất đai còn nhiều điểm chưa hợp lý; xung đột giữa bảo tồn và khai thác; rác thải và công nghệ xử lý, đặc biệt là rác thải nhựa chưa cao; thiếu các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên,…

        Do đó, bà đã nghiên cứu kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường từ đảo Đài Loan để áp dụng vào công tác bảo vệ môi trường hải đảo tại Việt Nam. Với việc bảo tồn các cảnh quan đặc biệt ở Đài Loan, công tác này bắt đầu bằng cách thành lập các khu danh lam, thắng cảnh, công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được chủ định cấp quốc gia; đồng thời, bảo tồn các di sản thông qua chiến lược toàn diện, cân bằng và hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích và đảm bảo an ninh, quốc phòng,…

        Từ những kinh nghiệm trên, bà đưa ra đề xuất bảo tồn di sản vùng biển đảo, trong đó, cần xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo; đẩy mạnh phát triển công nghệ số gắn với các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, hướng tới mục tiêu xây dựng “Thành phố vì hoà bình”; thu hút đầu tư trong và ngoài thành phố, cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Phú Quốc cần sớm cải thiện môi trường thiên nhiên, hoà hợp với thiên và tu bổ các công trình được xây dựng trong lòng các di sản.

        Cùng với đó, tạo dựng các mô hình bảo vệ môi trường bền vững, nâng cao những thế mạnh của Phú Quốc, giúp vùng biển đảo Việt Nam trở thành một thành phố đảo xanh, sạch và thân thiện.

anh-chup-man-hinh-2024-09-18-luc-16.52.59.png

Các đại biểu tại hội thảo chụp ảnh lưu niệm

        Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra buổi thảo luận giữa các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện nhiều Viện nghiên cứu, Học viện Khoa học,… trao đổi, đóng góp ý kiến và xây dựng phương án bảo vệ môi trường từ tác động của các Dự án phát và các di sản thiên nhiên tại Việt Nam. Đồng thời, buổi Chung kết cuộc thi “Thanh niên VASS chung tay kêu gọi bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên của Việt Nam” cũng được tổ chức trong Hội thảo.

nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bao-ton-cac-di-san-thien-nhien-tranh-tac-dong-tu-xa-hoi-hoa-380234.html