THÁNG CÔNG NHÂN NĂM 2024 14/05/2024

   Chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2024, giai cấp công nhân trên toàn thế giới có nhiều hoạt động kỷ niệm. Tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân đang ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp trực tiếp vào phát triển của đất nước.

Tháng Năm - Tháng Công nhân

        Cách đây 138 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, công nhân toàn thành phố Chicago đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Cuộc đấu tranh bị đàn áp đẫm máu, song nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân trên toàn nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Khẩu hiệu cuộc đấu tranh “Ngày làm việc 8 giờ” đã trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động ở nhiều nước. Cuôc đấu tranh của giai cấp công nhân lao động đã buộc Chính phủ một số nước phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ.

        Năm 1889, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II (liên minh quốc tế, với sự kết hợp của các đảng xã hội chủ nghĩa và một số tổ chức công đoàn trên thế giới), các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.

        Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội.

        Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 lấy ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương. Từ đó, ngày Quốc tế Lao động 1/5 hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

        Từ năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận về việc lấy tháng Năm hàng năm là Tháng Công nhân với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Từ đó đến nay, các hoạt động trong Tháng Công nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi mới, sáng tạo trong nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, tạo được hiệu ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

        Tiếp đến năm 2017, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động cũng được triển khai vào tháng 5 nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Từ đó tháng Năm hàng năm đã thành là tháng cao điểm thực hiện Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động. Theo đó, trong tháng Năm sẽ tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe. Đến nay các hoạt động trong Tháng Công nhân ngày càng đi vào chiều sâu chất lượng. Số công nhân lao động được chăm lo tăng dần qua từng năm.

        Tháng Năm Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”, Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam cụ thể hóa 5 hoạt động trọng tâm triển khai trong các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam gồm: Chương trình “Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống”, “Đối thoại tháng Năm”, “Cảm ơn người lao động”; Tổ chức “Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”; Triển khai hoạt động tôn vinh đoàn viên, người lao động; Chương trình “Khỏe để lao động, sản xuất”; Hoạt động tuyên truyền.[1]

        Hưởng ứng Tháng Công nhân, tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2024, Công đoàn Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tích cực tuyên truyền về Tháng Công nhân; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các công đoàn viên; tích cực hưởng ứng và tham gia các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động do công đoàn cấp trên phát động.

 

Mai Hải Linh