Tác giả: Đoàn Thị Thu Hương
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2021
Số trang: 204
Trong lịch sử chính trị thế giới hiện đại, Liên minh châu Âu (EU) được xem là một thể chế đa quốc gia hoàn thiện nhất, điển hình cho cơ chế hợp tác khu vực với thiết chế thị trường chung, đồng tiền chung và các chính sách thương mại chung, EU được xem là một trụ cột của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đặt trong môi trường quan hệ quốc tế nhiều biến động, bên cạnh việc trở thành một siêu cường kinh tế, EU đang từng bước tiến tới nhất thể hóa chính trị, đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực an ninh, phòng thủ để khẳng định vai trò trong các vấn đề toàn cầu, trở thành một cực trong quan hệ quốc tế cũng như ngăn ngừa và quản lý các xung đột nội tại. An ninh và phòng thủ vốn là lĩnh vô cùng phức tạp và nhạy cảm khi gắn liền với các vấn đề về chủ quyền và toan tính lợi ích quốc gia. Chính vì vậy, trong quan hệ quốc tế, chủ quyền luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia, đồng thời sự lo ngại về nguy cơ xâm phạm chủ quyền cũng trở thành rào cản khi các quốc gia tiến hành hợp tác với các đối tác hay tham gia vào cơ chế hợp tác khu vực, cho nên Chính sách An ninh và Phòng thủ chung (CSDP) có những đặc điểm và phương thức triển khai tương đối khác biệt để đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh và hòa bình cho khu vực.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 3 chương: Chương 1: Cơ sở của Chính sách An ninh và Phòng thủ chung; Chương 2: Nội dung và thực tiễn triển khai Chính sách An ninh và Phòng thủ chung (2007 – 2019); Chương 3: Nhận xét về Chính sách An ninh và Phòng thủ chung (2007 – 2019).
Chương 1: Tác giả tập trung làm rõ nội hàm các khái niệm cơ bản như an ninh và phòng thủ, an ninh chung và phòng thủ chung. Theo đó, có thể hiểu an ninh, phòng thủ là đề cập đến sự yên ổn của một chủ thể, đảm bảo không có xung đột nội tại và không bị các yếu tố bên ngoài xâm phạm, đe dọa. An ninh chung và phòng thủ chung là cách thức các chủ thể tập hợp lại, sử dụng các hành động tập thể để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và đảm bảo hòa bình, ổn định. Đồng thời, tác giả cũng phân tích và trình bày cơ sở hình thành CSDP là: (i) Khát vọng độc lập và mong muốn về một nền hòa bình vĩnh cửu thông qua các giai đoạn trong lịch sử hội nhập an ninh, phòng thủ của EU; (ii) Sự thay đổi trong bối cảnh quốc tế và khu vực hậu chiến tranh lạnh với những thách thức an ninh mới và sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn. (iii) Quan điểm của các quốc gia thành viên về hội nhập an ninh và phòng thủ, vì những quan điểm này có tác động tiêu cực hoặc tích cực tới tiến trình hội nhập trong an ninh và phòng thủ của EU.
Tại chương 2: Tác giả tập trung phân tích nội dung và thực tiễn triển khai Chính sách An ninh và Phòng thủ chung (2007 – 2019). Mục tiêu của Chính sách An ninh và Phòng thủ chung, bao gồm: Thứ nhất: Ngăn ngừa xung đột, tăng cường môi trường an ninh của toàn Liên minh và của từng quốc gia thành viên; Thứ hai: Duy trì hòa bình và đảm bảo an ninh quốc tế. Thực tiễn triển khai Chính sách An ninh và Phòng thủ chung (2007 – 2019) được tác giả trình bày cụ thể qua quy trình triển khai hoạt động (gồm 5 giai đoạn), các hoạt động quân sự, các hoạt động dân sự, các thỏa thuận hợp tác quốc tế, các hoạt động củng cố năng lực an ninh, phòng thủ của EU. Qua phân tích thực tiễn triển khai Chính sách An ninh và Phòng thủ chung của EU, tác giả đưa ra được những đánh giá nhất định về thành tựu đã đạt được đó là: (i) Niềm tin giữa các quốc gia thành viên, xây dựng và hình thành được cấu trúc bộ máy tương đối hiệu quả; (ii) Từng bước tự chủ trong việc đảm bảo an ninh khu vực cũng như chia sẻ, gánh vác trách nhiệm quản lý khủng hoảng chung với NATO, kết hợp sử dụng nhiều loại hình công cụ như quân sự, công cụ kinh tế và ngoại giao để phòng ngừa và giải quyết các khủng hoảng; (iii) Thể hiện rõ quan điểm của EU sẵn sàng trở thành nhà cung cấp an ninh khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì trong quá trình thực thi chính sách cũng phải đối mặt với nhiều thách thức ngắn, trung và dài hạn.
Trong chương 3: Qua phân tích và đánh giá thực tiễn triển khai Chính sách An ninh và Phòng thủ chung (2007 – 2019) như một chính sách độc lập, để hiểu rõ hơn bản chất của chính sách này, cần thiết phải đánh giá Chính sách An ninh và Phòng thủ chung trong tổng thể các chính sách đối ngoại khác của EU như Chính sách Hợp tác phát triển và Khu vực tự do, An ninh và Tư pháp. Bên cạnh đó, khi xem xét vị trí và vai trò của CSDP đối với cấu trúc an ninh khu vực buộc phải đánh giá sự tương tác của CSDP với các thể chế an ninh khu vực khác như NATO, OSCE. Qua đó, có thể rút ra được những nhận xét về đặc điểm của CSDP giai đoạn 2007 – 2019. Đồng thời, dựa trên việc phân tích sự tác động của các yếu tố nội khối và ngoại khối đối với CSDP có thể dự báo xu hướng vận động của CSDP tầm nhìn tới năm 2025.
Cuốn sách là kết quả của luận án tiến sĩ quan hệ quốc tế “Chính sách an ninh và phòng thủ chung của liên minh Châu Âu 2007-2019”. Với những nội dung nghiên cứu trên, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp cơ sở khoa học về vấn đề hợp tác khu vực, địa chính trị quốc tế đến các độc giả và là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên về chuyên ngành này.
Xin trân trọng giới thiệu./.
Nguyễn Thị Ngọc