Tác giả: Hà Huy Ngọc
Nhà xuất bản: Thế giới
Năm xuất bản: 2020
Số trang: 375
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn và phì nhiêu bậc nhất Đông Nam Á và thế giới. Đây là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thủy hải sản, trái cây nhiệt đới lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là vùng đất đa tôn giáo, đa dân tộc với nhiều nét văn hóa đặc sắc, có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn cả từ bên trong lẫn bên ngoài và do tác động của hội nhập quốc tế. Đây là vùng đất rất mẫn cảm với mọi sự thay đổi của tự nhiên và hoạt động của con người. Trong đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, đặc biệt là sinh kế của cộng đồng dân cư nông thôn. Trước tình hình đó, Chính phủ và các địa phương trong vùng đã xây dựng, ban hành và thực hiện một loạt các thể chế, chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, nhiều diễn đàn đối thoại cấp cao, “hội nghị Diên Hồng” đã được tổ chức để lấy ý kiến của các bên liên quan về hướng phát triển bền vững cho vùng trong tương lai.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 6 chương: Chương 1: Lý thuyết về chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương 2: Kinh nghiệm về chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của một số quốc gia trên thế giới; Chương 3: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến vùng sinh thái – xã hội đồng bằng sông Cửu Long; Chương 4: Phân tích chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chương 5: Kiến tạo phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chương 6: Giải pháp kiến tạo chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ở chương 1: Tác giả trình bày rõ các khái niệm cơ bản về chính sách công, biến đổi khí hậu, ứng phó với biến đổi khí hậu, chính sách ứng phó… Qua đó có thể hiểu chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu là tập hợp các biện pháp được thể chế hoá, bao gồm mục tiêu, giải pháp và công cụ chính sách của Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu ưu tiên thích ứng với tác động bất lợi và giảm nhẹ các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời tận dụng các cơ hội có lợi do biến đổi khí hậu mang lại. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến vai trò, đặc trưng của Nhà nước trong kiến tạo chính sách và quá trình kiến tạo chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Quá trình hoạch định chính sách phải được xây dựng phù hợp với các đặc điểm về lãnh thổ, sinh thái và kinh tế - xã hội của vùng.
Tại chương 2: Tập trung vào nghiên cứu kinh nghiệm chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của Banglades, Thái Lan, Hà Lan, Trung Quốc. Các quốc gia này đều coi vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, các chính sách liên quan đến vấn đề này được các quốc gia lồng ghép trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Từ kinh nghiệm của các nước về chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, tác giả cũng đề cập một số bài học đối với Việt Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, đó là: Cách tiếp cận xây dựng chính sách và tính chủ động linh hoạt của chính quyền địa phương; Tăng cường năng lực của cơ quan chuyên trách về biến đổi khí hậu; Huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho biến đổi khí hậu; Chú trọng chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu; Giám sát chính sách ứng phó biến đổi khí hậu.
Chương 3: Tác giả nêu khái quát tình hình kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long để độc giả thấy được bức tranh kinh tế - xã hội của vùng. Việc phân vùng sinh thái – xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long được dựa trên cách tiếp cận phân vùng chức năng, phân vùng sinh thái nông nghiệp, đặc điểm địa hình và vùng sinh thái – xã hội. Bên cạnh đó, một số biểu hiện và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được tác giả phân tích kỹ, cho thấy biểu hiện của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan với xu hướng ngày càng gia tăng về độ bất thường, tần suất và tác động bất lợi: nước biển dâng, tăng nhiệt độ thường, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển… Qua đó, cho thấy sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra cho vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gia tăng ở mức rất nghiêm trọng trên các khía cạnh: ngập lụt đô thị, trồng trọt và thủy sản, cơ sở hạ tầng thủy lợi và hệ sinh thái…
Chương 4: Tập trung phân tích chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tác giả đi sâu vào phân tích việc hoạch định chính sách, tuyên truyền, thực hiện chính sách và kiểm tra giám sát chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài những chính sách về biến đổi khí hậu được tích hợp trong các các văn bản luật, chương trình, chiến lược, đề án…thì còn có rất nhiều chính sách mang tính đặc thù có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến ứng phó với biến khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, như: nhóm chính sách quy hoạch; chính sách hạ tầng; nhóm chính sách mang tính tổng hợp, liên ngành, liên kết vùng… Tuy nhiên, số lượng chính sách về biến đổi khí hậu đã ban hành không có mối quan hệ thuận chiều với hiệu quả thực hiện chính sách. Điều này cho thấy, thực tế chất lượng của hoạch định chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu đang là vấn đề lớn hiện nay. Việc thực hiện chính sách thì mỗi tiểu vùng lại có các chỉ số đánh giá khác nhau. Từ những phân tích trên, tác giả cũng chỉ ra được những bất cập, hạn chế của chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong chương 5: Những kết quả bước đầu trong kiến tạo phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long được tác giả trình bày rất cụ thể, như: Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự ra đời của Nghị quyết này đã góp phần kiến tạo một tầm nhìn phát triển dài hạn, bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, dựa trên nguyên tắc tôn trọng các giá trị sinh thái tự nhiên, con người của vùng. Tuy nhiên, khi đưa vào triển khai Nghị quyết còn nhiều lúng túng cả ở cấp quản lý chính quyền địa phương lẫn các bộ/ngành. Bên cạnh đó, Nghị quyết này chưa đặt ra các mục tiêu ưu tiên trong quá trình phát triển, vì vậy chưa giúp giải quyết được tình trạng các cam kết về liên kết dàn trải và thiếu trọng tâm, trọng điểm ở các địa phương. Song hành với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đã có nhiều sáng kiến, mô hình phát triển bền vững đang được triển khai khá thành công ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các mô hình thành công này có thể do Nhà nước, người dân, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ... triển khai ở các tiểu vùng khác nhau để giúp cho các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng có sinh kế bền vững nhằm thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Chương 6: Qua phân tích vấn đề ở các chương, cùng với bối cảnh quốc tế, khu vực và tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới được dự báo có nhiều thay đổi. Đặc biệt, tính bất định của những vấn đề xuất phát từ khu vực thượng nguồn sông Mêkông và sự phát triển thiếu bền vững từ nội tại bản thân của đồng bằng sông Cửu Long sẽ có những ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của vùng. Vì vậy, tác giả đưa ra một số giải pháp kiến tạo chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đó là: Giải pháp nhằm kiến tạo chính sách mang tính đột phá; Nâng cao chất lượng quy trình chính sách; Giải pháp chính sách nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; Giải pháp chính sách nhằm giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Các giải pháp này nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với những nội dung nghiên cứu trên, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn có ý nghĩa thiết thực cho việc hoàn thiện chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.
Xin trân trọng giới thiệu./.
Nguyễn Thị Ngọc