Tác giả: TS. Nguyễn Song Tùng (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2019
Số trang: 255
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI. BĐKH sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc các hệ sinh thái tự nhiên và kinh tế - xã hội (KT - XH); ảnh hưởng đến quá trình phát triển, đe doạ nghiêm trọng an ninh môi trường, năng lượng, nguồn nước và lương thực trên phạm vi toàn cầu. BĐKH đã làm cho các hiện tượng thiên tai và thời tiết cực đoan như lũ lụt, bão, hạn hán ngày càng gia tăng về tần suất và quy mô, với chu kỳ lặp lại khó lường và gây ra nhiều tổn thất to lớn về tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng và môi trường. Hậu quả của thiên tai, BĐKH đối với Việt Nam là vô cùng nghiêm trọng và là một thách thức hiện hữu đối với việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu thiên niên kỷ vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Trong bối cảnh đó, lồng ghép vấn đề BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển được coi là một cách tiếp cận “khôn ngoan” nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng các biện pháp ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả. Thông qua việc lồng ghép các biện pháp ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch tổng thể KT - XH nhằm đảm bảo sự ổn định của các hoạt động KT - XH và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các lĩnh vực KT - XH do các tác động của BĐKH. Các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ là một phần không thể tách rời của chính sách phát triển; do đó, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ sẽ phát huy hiệu quả tối ưu khi được lồng ghép vào các chính sách, chiến lược phát triển. Trong những năm qua, vấn đề BĐKH bước đầu đã được lồng ghép trong các quy hoạch tổng thể phát triển KT XH của các địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã. Trong số các tỉnh đã thực hiện lồng ghép vấn đề BĐKH trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, Quảng Trị là địa phương đi đầu và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 4 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về lồng ghép biến đổi khí hậu trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Chương 2: Lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam; Chương 3: Thực trạng lồng ghép biến đổi khí hậu trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị; Chương 4: Giải pháp nâng cao hiệu quả lồng ghép biến đổi khí hậu trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Chương 1: Các cơ sở lý luận và thực tiễn về biến đổi khí hậu, diễn biến, những ảnh hưởng và việc ứng phó đối với BĐKH ở Việt Nam; những vấn đề về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; việc lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu được nhóm tác giả trình bày rất cụ thể. Qua đó, bạn đọc có thể hiểu hơn về biến đổi khí hậu, ứng phó, thích ứng và giảm nhẹ BĐKH; sự biến đổi về nhiệt độ, lượng mưa và nhất là hiện tượng nước biển dâng có tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới, cũng như ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng giới thiệu kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc thực hiện lồng ghép vấn đề BĐKH trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chinh sách phát triển và một số bài học đặt ra cho Việt Nam.
Ở chương 2: Tập trung vào nghiên cứu cơ sở cho việc lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Qua đó, ta có thể thấy được quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước qua Văn kiện Đại hội lần thứ XI, Nghị quyết số 24/NQ-TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP, Luật Phòng chóng thiên tai năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Chiến lược quốc gia về ứng phó với BDKH... đã nhấn mạnh vấn đề lồng ghép mục tiêu BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực... Bên cạnh đó, nhìn nhận sự cần thiết, những nhân tố, các nguyên tắc và các bước khi tiến hành vấn đề trên. Hơn thế nữa, nhóm tác giả cũng cho chúng ta thấy tình hình thực hiện lồng ghép vấn đề BĐKH trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Tại chương 3: Nhóm tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích thực trạng lồng ghép BĐKH trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị. Trong chương này, chúng ta thấy rõ tình hình phát triển kinh tế về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng; vấn đề xã hội như dân số, lao động, giáo dục, đào tạo, y tế luôn đạt chất lượng, ổn định và được quan tâm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu cũng đã tác động làm cho thời tiết cực đoan, thiên tai diễn biến bất thường gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản cũng như ảnh hưởng đến sự phát trển kinh tế xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, các văn bản, chính sách, cách thức, nội dung đã được áp dụng và thực hiện tại tỉnh Quảng Trị nhằm giảm nhẹ thiên tai đã được trình bày rất rõ, từ đó, đánh giá được hiệu quả việc thực hiện lồng ghép BĐKH vào quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đã chỉ ra được những bất cập, hạn chế và khó khăn trong quá trình thực hiện vấn đề này tại tỉnh.
Chương 4: Từ những vấn đề được phân tích ở chương 3, trước bối cảnh mới và một số thách thức đối với việc lồng ghép BĐKH trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, nhóm tác giả đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả lồng ghép BĐKH trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Quảng Trị. Đó là các giải pháp: Hoàn thiện thể chế; nâng cao nhận thức và kiến thức chuyên môn; cơ chế điều phối và tổ chức điều phối lồng ghép; huy động và tăng cường nguồn tài chính; xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá lồng ghép; giải pháp về khoa học - công nghệ.
Với những nội dung nghiên cứu trên, hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu về chính sách phát triển kinh tế xã hội trước thách thức của biến đổi khí hậu như hiện nay.
Xin trân trọng giới thiệu./.
Nguyễn Thị Ngọc