Tác giả: Trần Thị Tuyết (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2019
Số trang: 363
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, hạn hán ngày càng trở nên phức tạp, diễn biến khó lường, đặc biệt là tại các địa phương có khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa thấp như tỉnh Ninh Thuận đã đe dọa sự phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của cư dân nông thôn.
Nhận thức rõ điều đó, cuốn sách “ Đánh giá ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận” là kết quả của đề tài cấp Bộ cùng tên do TS. Trần Thị Tuyết làm chủ nhiệm, Viện Địa lí nhân văn là đơn vị chủ trì. Nội dung cuốn sách đã đề cập đến những vấn đề chung về ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế nông thôn; phân tích, đánh giá thực trạng hạn hán ảnh hưởng đến sinh kế dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận; từ đó, đưa ra những quan điểm, giải pháp nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 3 chương như sau: Chương 1: Những vấn đề chung về ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế nông thôn; Chương 2: Ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận; Chương 3: Giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận
Tại chương 1, các vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn về ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế nông thôn đã được tác giả trình bày rất cụ thể. Đặc biệt, trên cơ sở xem xét một số kinh nghiệm về năng lực phòng chống, giảm nhẹ hạn hán của các nước trên thế giới như quản lý tổng hợp tài nguyên nước, thu gom nước, phương thức canh tác tiết kiệm nước, cảnh báo sớm, bảo hiểm nông nghiệp từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Chương 2, trên cơ sở phân tích tổng quan các yếu tố mang tính đặc trưng, đặc thù về hạn hán của Ninh Thuận; chương 2 tập trung phân tích những ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế dân cư nông thôn; trong đó đi sâu phân tích các loại hình sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do suy giảm chất lượng tư liệu sản xuất, nguồn lực tự nhiên dẫn đến giảm về số lượng, chất lượng và giá trị sản xuất; đặc biệt là loại hình canh tác nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Để ứng phó với hạn hán, nhiều giải pháp đã được tỉnh Ninh Thuận thực thi nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của người dân. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hệ thống chính sách, quản lý còn chưa hợp lý; năng lực thích ứng của nền kinh tế và người dân còn hạn chế; nhiều giải pháp chưa tính đến nguồn lực thực thi, còn mang tính dàn trải, chưa tạo được tính đột phá, tính lan tỏa nên chưa kích thích chuyển đổi nhận thức về tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi sinh kế mà vẫn mang nặng ý thức trông chờ hỗ trợ của Nhà nước khi gặp thiên tai.
Chương 3, tập trung đưa ra một số giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận. Các giải pháp đề xuất dựa trên quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước; Quan điểm phát triển bền vững, lồng ghép quản lý hạn hán trong lĩnh vực chính sách xã hội, kinh tế môi trường và quan điểm tiếp cận cộng đồng trong thích ứng với thiên tai. Theo đó, để ứng phó hiệu quả với hạn hán cần thay đổi nhận thức trong quản lý, xem hạn hán là nhân tố bình thường của khí hậu với các giải pháp chuyển từ phản ứng cứu trợ sang thích ứng thông qua sử dụng hợp lý và cải thiện nguồn vốn sinh kế, giảm bớt sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên bằng biện pháp phù hợp theo hướng ưu tiên nguồn lực phát triển các sản phẩm lợi thế, đặc thù nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Cần chú trọng một số giải pháp như:
1/ Bổ sung đánh giá rủi ro hạn hán; chuyển phương thức quản lý tài nguyên nước theo hành chính sang quản lý theo nhu cầu - sản phẩm hàng hóa. Tích hợp các chính sách hỗ trợ gắn với tái cơ cấu sinh kế theo nguyên tắc “đồng bộ”.
2/ Tăng cường khả năng trữ, sử dụng hiệu quả nguồn nước theo hướng ưu tiên các mô hình sinh kế tiết kiệm nước. Lồng ghép xây dựng các công trình thu hồi nước mưa qui mô hộ gia đình nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước trước mắt, kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm đảm bảo các mục tiêu lâu dài trong phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời, đẩy mạnh các công cụ: Tiếp cận chuỗi giá trị thị trường theo nguyên tắc “đẩy mạnh liên kết, hạn chế khâu trung gian”; Bảo hiểm nông nghiệp theo chỉ số nhằm hỗ trợ “chi phí đầu vào” khôi phục sản xuất khi có hạn hán, nâng cao năng lực ứng phó của người dân.
3/ Nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân thực hiện các giải pháp gia tăng nguồn vốn sinh kế, bảo vệ thương hiệu sản phẩm bằng các hình thức trực quan, đề cao tính nêu gương trong tuyên truyền. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại bằng các hình thức phối hợp với các địa phương và đẩy mạnh sử dụng truyền thông xã hội.
Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các độc giả trong và ngoài nước.
Xin trân trọng giới thiệu./.
Mai Hải Linh