Khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững vùng Tây Bắc 02/12/2022

Tác giả: Đinh Trọng Thu (Chủ biên)

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2022

Số trang: 347      

   Tây Bắc là vùng núi cao, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa đa dạng. Tây Bắc không chỉ là nơi hội tụ của các yếu tố thiên nhiên - văn hóa - lịch sử với sự phong phú, đa dạng về văn hóa vùng miền mà còn có những đặc trưng văn hóa cộng đồng và bản sắc truyền thống, đa dạng sinh thái riêng. Các dân tộc thiểu số cùng nhau sinh sống ở đây tạo nên một vùng đất với những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt và cuốn hút như: Các chợ phiên hay chợ tình ở Sa Pa, Bắc Hà, Khâu Vai; lễ cấp sắc của người Dao; các lễ hội mùa xuân. Tây Bắc nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ, Nà Sản, cao nguyên đá, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì, đỉnh Phanxipang... Đây là nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng quý giá để phát triển du lịch vùng Tây Bắc.

        Thực tế cho thấy, hiện nay, việc khai thác tài nguyên văn hóa cho mục đích phát triển du lịch trên địa bàn này chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp khai thác tài nguyên văn hóa ở Tây Bắc phục vụ phát triển du lịch bền vững, đồng thời bảo tồn các giá trị di sản cho thế hệ tương lai là vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay.

        Cuốn sách “Khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững vùng Tây Bắc” là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2019-2020 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do ThS. NCVC. Đinh Trọng Thu làm chủ nhiệm, Viện Địa lí nhân văn là tổ chức chủ trì.

        Ngoài lời nói đầu và kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành ba chương. Cụ thể:

        Chương 1: Cơ sở lí luận về khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển bền vững du lịch

        Trong chương này tập trung làm rõ các khái niệm và lý thuyết về tài nguyên văn hóa, khai thác tài nguyên văn hóa; mối quan hệ giữa khai thác tài nguyên văn hóa với phát triển du lịch; vai trò của việc khai thác tài nguyên văn hóa với phát triển bền vững du lịch; kinh nghiệm khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch ở một số nước trên thế giới và một số tỉnh ở Việt Nam. 

        Chương 2: Thực trạng khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch vùng Tây Bắc

        Nội dung chương 2 đã hệ thống hóa tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch và chính sách phát triển du lịch vùng Tây Bắc; phân tích thực trạng khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch và các nhân tố ảnh hưởng đến khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch vùng Tây Bắc. 

        Chương 3: Các giải pháp chủ yếu để khai thác tài nguyên văn hóa thúc đẩy phát triển du lịch bền vững vùng Tây Bắc

        Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thu được, các tác giả đề xuất phương hướng, quan điểm, giải pháp nhằm khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch bền vững vùng Tây Bắc.

        Với những nội dung nghiên cứu trên, cuốn sách có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo đối với các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch, các nhà nghiên cứu về chính sách, giải pháp khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng.

        Xin trân trọng giới thiệu./.

Nguyễn Thị Ngọc