Vai trò của văn hóa cộng đồng trong bảo vệ môi trường ở làng nghề Việt Nam 11/11/2022

Tác giả: Trần Ngọc Ngoạn, Nguyễn Thị Huyền Thu (Đồng chủ biên)

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2022

Số trang: 282

   Làng nghề là một trong những nét đặc thù của nông thôn Việt Nam. Theo sự phát triển chung của kinh tế- xã hội, làng nghề ở các địa phương đã có những phát triển vượt bậc, đem lại công ăn việc làm, cải thiện đời sống, góp phần đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống nhân dân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các làng nghề đã gây ra nhiều vấn đề môi trường bức xúc.

        Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối và chính sách pháp luật về quản lý bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và bảo vệ môi trường làng nghề nói riêng, song việc tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT làng nghề vẫn còn ở mức khiêm tốn. Các quy định, quy ước, hương ước riêng của làng/xã vừa phản ánh tâm lý của người dân vừa phản ánh văn hóa và nếp sống của làng, định hướng hành vi con người vào khuôn phép. Điều đó có vai trò quan trọng trong việc BVMT ở các làng nghề hiện nay.

        Cuốn sách Vai trò của văn hóa cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề Việt Nam là kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ môi trường cấp Bộ “Khảo sát, đánh giá vai trò của văn hóa cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề hiện nay và đề xuất giải pháp do TS. Trần Ngọc Ngoạn làm chủ nhiệm, Viện Địa lí nhân văn là tổ chức chủ trì, thực hiện trong giai đoạn 2019-2020.

        Ngoài lời nói đầu, kết luận và kiến nghị cuốn sách được cấu trúc thành 4 chương. Cụ thể như sau: 

        Chương 1: Một số vấn đề lý thuyết về văn hóa cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề

        Nội dung chương 1 đã trình bày các khái niệm về làng nghề, môi trường và bảo vệ môi trường, vấn đề môi trường làng nghề; khái niệm văn hóa, văn hóa cộng đồng; các nguyên tắc và phương thức ứng xử cộng đồng; vai trò của văn hóa cộng đồng trong BVMT làng nghề và các yếu tố tác động đến văn hóa cộng đồng trong BVMT làng nghề.

        Chương 2: Thực trạng vai trò của văn hóa cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề

        Trong chương này đã phân tích thực trạng vai trò của văn hóa cộng đồng trong BVMT tại các làng nghề trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát bằng bảng hỏi kết hợp phỏng vấn sâu trên 1530 khách thể là đại diện hộ gia đình/cơ sở sản xuất/ làm nghề hoặc không làm nghề tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bến Tre. Vai trò của văn hóa cộng đồng trong BVMT làng nghề được xem xét từ hai góc độ, vai trò của các nguyên tắc ứng xử và vai trò của phương thức ứng xử của cộng đồng trong BVMT làng nghề.

        Chương 3: Các yếu tố tác động đến văn hóa cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề

        Nội dung chương 3 đề cập đến các yếu tố tác động đến văn hóa cộng đồng trong BVMT làng nghề. Các yếu tố tác động bao gồm các yếu tố khách quan (điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, văn hóa truyền thống, vai trò của quản lý nhà nước, vai trò của các tổ chức xã hội) và các yếu tố chủ quan (đặc điểm nhân khẩu – xã hội của người dân sống trong làng nghề: giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, số năm kinh nghiệm trong nghề, quy mô của cơ sở sản xuất).

        Chương 4: Giải pháp tăng cường vai trò và giá trị xã hội của văn hóa cộng đồng trong bảo vệ môi trường ở các làng nghề

        Từ các kết quả thu được, các tác giả đề xuất định hướng phát triển làng nghề, định hướng xây dựng văn hóa môi trường tiên tiến và một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò và giá trị xã hội của văn hóa cộng đồng trong BVMT ở các làng nghề.

        Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề.

        Xin trân trọng giới thiệu./.

Mai Hải Linh