Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia “Địa lí nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam (SDGs) đến năm 2030” 17/11/2023

Tác giả: Viện Địa lí nhân văn

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2023

Số trang: 782          

   Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu của các quốc gia, các vùng lãnh thổ và toàn nhân loại. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9 năm 2015 đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs) với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể. Các mục tiêu phát triển bền vững kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất, đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng.

        Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình nghị sự đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, xanh và sạch; tạo khuôn khổ và định hướng mới cho mọi quốc gia trong việc ứng phó các thách thức chung về kinh tế, xã hội và môi trường.

        Thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 với quan điểm: (i) Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an  ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; (ii) Là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mỗi người dân. Huy động mọi nguồn lực xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; (iii) Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển bền vững đất nước; (iv) Tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa và những đối tượng dễ bị tổn thương khác; (v) Khoa học và công nghệ là nền tảng, là động lực cho phát triển bền vững đất nước. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất.

        Khoa học Địa lí nhân văn là phân ngành chính của khoa học Địa lí, nghiên cứu về mối quan hệ tương tác giữa con người và tự nhiên; tập trung vào cách thức khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên, môi trường trong không gian chứa đựng thông qua cách tiếp cận, quan điểm và công cụ có tính đặc thù.

        Địa lí nhân văn với ưu thế là khoa học có tính liên ngành cao; kết hợp với tiến trình phát triển của nhận thức, nhất là khoa học công nghệ đã và đang góp phần quan trọng trong tìm kiếm các giải pháp đột phá, hiệu quả trên cơ sở phát huy được lợi thế, tiềm năng, đặc trưng của lãnh thổ cho các mục tiêu phát triển và giải quyết các mối quan hệ xã hội - tự nhiên. Các kết quả nghiên cứu địa lí nhân văn có tính tổng hợp, hệ thống, đảm bảo tính khoa học, khách quan trong đề xuất các chiến lược phát triển nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, thúc đẩy thay đổi tích cực và phát triển theo hướng bền vững. Địa lí nhân văn với tiếp cận toàn diện, cân bằng và tích hợp các khía cạnh phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong giải quyết hiệu quả mối quan hệ hài hòa giữa con người và môi trường trong tiến trình phát triển.

        Cuốn Kỷ yếu là sản phẩm khoa học của Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Khoa học Địa lí nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững  Việt Nam (SDGs) đến năm 2030” do Viện Địa lí nhân văn phối hợp với Hội Địa lý Việt Nam tổ chức. Hội thảo này nhằm khẳng định vai trò và sự đóng góp quan trọng của các nhà nghiên cứu địa lí nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam (SDGs) đến năm 2030.

        Cuốn Kỷ yếu Hội thảo tập hợp 42 bài tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các ngành khoa học địa lí, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thuộc các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trên toàn quốc và các cán bộ địa phương tham gia viết bài. Nội dung tập trung vào 5 chủ đề: Địa lí nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam; Địa lí nhân văn đối với phát triển bền vững theo lãnh thổ; Địa lí nhân văn đối với phát triển bền vững theo ngành/lĩnh vực; Địa lí nhân văn trong phát triển các nguồn lực; Công nghệ Địa lí – GIS trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

        Với những nội dung nghiên cứu trên, hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu về phát triển bền vững.

        Xin trân trọng giới thiệu./.

 

Nguyễn Thị Ngọc