Tác giả: TS. Trần Thị Tuyết (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2023
Số trang: 395
Hệ sinh thái xã hội được xem là hướng tiếp cận hiệu quả với tư duy về tính đặc thù lãnh thổ kết hợp với so sánh sự tương đồng và khác biệt với các lãnh thổ khác, được nhiều học giả áp dụng trong nghiên cứu lãnh thổ nhằm điều chỉnh các mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên. Vì thế, xác lập các tiêu chí dựa trên mối quan hệ tương hỗ mang tính chủ đạo của các đặc trưng sinh thái - xã hội lãnh thổ sẽ đảm bảo tính hệ thống, khoa học và thời đại trong thực hiện công tác phân vùng - công cụ quan trọng trong quản lý lãnh thổ.
Cuốn sách “Khung chính sách chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ tiếp cận sinh thái xã hội” là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu đề xuất khung chính sách chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ tiếp cận sinh thái xã hội” do TS. Trần Thị Tuyết làm chủ nhiệm, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOTED) tài trợ, thực hiện trong giai đoạn 2020-2023.
Ngoài lời nói đầu, kết luận và tài liệu tham khảo cuốn sách được cấu trúc thành 4 chương. Cụ thể như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng sinh thái xã hội
Nội dung chương 1 trình bày cơ sở lý luận về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và vùng sinh thái xã hội, chính sách chủ động thích ứng với tác động của BĐKH. Qua đó, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn các khái niệm về BĐKH, thích ứng với BĐKH, các biện pháp và năng lực thích ứng với BĐKH, các hướng tiếp cận chủ động thích ứng với BĐKH; khái niệm, đặc điểm và vai trò của vùng sinh thái xã hội; khái niệm chính sách thích ứng chủ động với BĐKH, quy trình cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách thích ứng chủ động với BĐKH. Bên cạnh đó, các tác giả đã phân tích được kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong xây dựng chính sách thích ứng với BĐKH, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chương 2: Đặc điểm vùng sinh thái xã hội Đồng bằng sông Cửu Long
Nội dung chương 2 phân tích vùng sinh thái xã hội trên cơ sở phân vùng chức năng và cách tiếp cận vùng sinh thái xã hội ĐBCSL; Phân tích đặc điểm vùng sinh thái xã hội ĐBSCL trên cơ sở đặc điểm hệ sinh thái, hệ xã hội, hệ thống thể chế quản trị vùng ĐBSCL và một số đặc trưng sinh thái xã hội vùng ĐBSCL. Chính sự phân hóa của các đặc trưng sinh thái - xã hội đã tạo nên sự đa dạng của lãnh thổ với 4 tiểu vùng (phần đất liền): tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, tiểu vùng trung tâm và tiểu vùng ven biển. Mỗi tiểu vùng đều có chức năng riêng và giải pháp quản lý sử dụng khác nhau, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững khu vực ĐBSCL.
Chương 3: Chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng sinh thái xã hội đồng bằng sông Cửu Long
Nội dung chương 3 nêu lên một số biểu hiện của thiên tai, biến đổi khí hậu vùng sinh thái xã hội ĐBCSL; phản ánh hiện trạng tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai đến vùng sinh thái xã hội ĐBCSL; Phân tích thực trạng chính sách và thực trạng thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng sinh thái xã hội ĐBSCL. Qua phân tích, vùng ĐBSCL đã có nhiều chương trình, dự án ứng phó với BĐKH thực hiện, góp phần mang lại hiệu quả trong việc thích ứng tốt hơn với BĐKH. Tuy nhiên, công tác triển khai vẫn còn nhiều bất cập như: chính sách chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ứng phó bị động với BĐKH, chủ yếu được xây dựng ở tầm vĩ mô; phần lớn các mô hình sinh kế chưa thực sự dựa trên các tri thức, giá trị của cộng đồng, đặc trưng sinh thái của từng vùng lãnh thổ. Mặc dù địa phương có mối liên hệ mật thiết với nhau về mặt sinh thái tự nhiên, kinh tế xã hội nhưng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH lại được xây dựng riêng lẻ trong phạm vi từng tỉnh, thiếu sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong vùng STXH... Do đó, đòi hỏi trong bối cảnh tác động của BĐKH, vùng cần có cách tiếp cận, tư duy phát triển phù hợp, lựa chọn các giải pháp đồng bộ, mang tính linh hoạt, hướng nhiều đến nhóm cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương và phù hợp với từng vùng sinh thái xã hội theo tinh thần tôn trọng các quy luật của tự nhiên .
Chương 4: Giải pháp và khung chính sách nhằm thích ứng chủ động với biến đổi khí hậu ở vùng sinh thái xã hội đồng bằng sông Cửu Long theo quan điểm Nghị quyết số 120/NĐ-CP
Kết quả phân tích, đánh giá tiềm năng sinh thái xã hội của các tiểu vùng phần đất liền đã đề xuất được định hướng không gian phát triển và các tuyến liên kết nội vùng, đồng thời đề xuất 7 nhóm giải pháp và 5 khung chính sách chủ động thích ứng với BĐKH theo các không gian phát triển đặc thù, chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách đảm bảo phát huy được tiềm năng lãnh thổ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa các trục kinh tế - xã hội - môi trường trên cơ sở nhân rộng các mô hình phát triển, vừa đảm bảo được tính thuận thiên, vừa đảm bảo gia tăng giá trị khai thác lãnh thổ.
Chính vì vậy, đề xuất khung chính sách chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu theo tiếp cận sinh thái xã hội là cơ sở mang tính khoa học, tổng hợp cao, cho phép xác lập được các căn cứ không gian hoạch định phát triển tổng hợp lãnh thổ gắn với sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chủ động thích ứng với BĐKH của vùng ĐBSCL.
Cuốn sách là tài liệu hữu ích phục vụ giảng dạy một số môn học/học phần liên quan đến thích ứng với BĐKH ở bậc đại học và sau đại học và là tài liệu tham khảo có ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu từ tiếp cận sinh thái xã hội.
Xin trân trọng giới thiệu./.
Mai Hải Linh