Sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của dân cư nông thôn vùng ven biển Nam Trung Bộ: Từ tiếp cận sinh thái nhân văn 20/05/2023

Tác giả: TS. Nguyễn Song Tùng (Chủ biên)

Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm xuất bản: 2022

Số trang: 331

   Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI. BĐKH đã và đang gây ra những tác động đa chiều, phức tạp và nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH; trong đó, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất do BĐKH bởi thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường diễn ra và ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của các cộng đồng dân cư khu vực này. Trong bối cảnh đó, lựa chọn sinh kế thích ứng với BĐKH là một hướng đi quan trọng nhằm giảm tính dễ bị tổn thương, nâng cao tính chống chịu và thích ứng của cộng đồng dân cư nông thôn ven biển Nam Trung Bộ.

        Cho đến nay, các nghiên cứu về sinh kế bền vững thích ứng với BĐKH của người dân ven biển chủ yếu là tiếp cận đơn ngành từ góc độ kinh tế, xã hội hoặc kỹ thuật… nên các vấn đề được xem xét chưa toàn diện. Tiếp cận sinh thái nhân văn trong nghiên cứu sinh kế bền vững thích ứng với BĐKH của người dân nông thôn vùng ven biển Nam Trung Bộ là một cách tiếp cận tổng hợp, toàn diện, hệ thống và bền vững nhằm đảm bảo các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường tại khu vực ven biển Nam Trung Bộ nói riêng và tại Việt Nam nói chung trong bối cảnh BĐKH.

        Cuốn sách Sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của dân cư nông thôn vùng ven biển Nam Trung Bộ: Từ tiếp cận sinh thái nhân văn là kết quả nghiên cứu của đề tàiSinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của dân cư nông thôn vùng ven biển Nam Trung Bộ: Từ tiếp cận sinh thái nhân văn do TS. Nguyễn Song Tùng làm chủ nhiệm, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOTED) tài trợ, thực hiện trong giai đoạn 2019-2021.

        Ngoài lời giới thiệu, lời mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo cuốn sách được cấu trúc thành 4 chương. Cụ thể như sau: 

        Chương 1: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu từ tiếp cận sinh thái nhân văn

        Nội dung chương 1 trình bày lý luận chung về sinh kế bền vững thích ứng với BĐKH và lý luận chung về sinh thái nhân văn. Qua đó, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn các khái niệm về BĐKH, thích ứng với BĐKH, sinh kế và sinh kế bền vững, quan niệm về sinh thái nhân văn, cấu trúc hệ sinh thái nhân văn, sơ đồ các thành phần cơ bản của một hệ sinh thái nhân văn trong nghiên cứu; Sinh thái nhân văn trong phát triển bền vững và khung sinh kế bền vững thích ứng với BĐKH từ tiếp cận sinh thái nhân văn. Bên cạnh đó, các tác giả đã phân tích được kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế về phát triển sinh kế bền vững thích ứng với BĐKH từ tiếp cận sinh thái nhân văn, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm.

        Chương 2: Biến đổi khí hậu và hệ sinh thái nhân văn vùng ven biển Nam Trung Bộ

        Nội dung chương 2 phân tích những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở vùng ven biển Nam Trung Bộ và những thiệt hại do thiên tai gây ra; những đặc trưng sinh thái nhân văn của vùng ven biển Nam Trung Bộ gồm đặc trưng hệ tự nhiên và đặc trưng hệ xã hội. Ngoài ra, các tác giả đã khái quát về địa bàn nghiên cứu điển hình thông qua khảo sát, điều tra xã hội học và phỏng vấn sâu chính quyền địa phương và người dân tại một số xã ven biển thuộc huyện Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên và huyện Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận - đây là những địa phương đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH đến sinh kế của người dân đặc biệt là người dân nông thôn vùng ven biển.

        Chương 3: Thực trạng sinh kế của dân cư nông thôn vùng ven biển Nam Trung Bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu

        Nội dung chương 3 phân tích thực trạng các loại hình sinh kế tiêu biểu của dân cư nông thôn vùng ven biển Nam Trung Bộ (bao gồm sinh kế nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, trồng trọt, du lịch và làm mắm, làm muối), biểu hiện của BĐKH tại khu vực Nam Trung Bộ cũng như những tác động của BĐKH đến hiện trạng sinh kế và các nguồn vốn sinh kế của dân cư nông thôn sinh sống ở vùng ven biển. Kết quả nghiên cứu cho thấy BĐKH đã và đang hiện diện và tác động đến các hoạt động sinh kế của người dân nông thôn ven biển Nam Trung Bộ thông qua ảnh hưởng đến hiện trạng sinh kế, các nguồn vốn sinh kế gồm nguồn vốn tự nhiên, nguồn vốn con người, nguồn vốn tài chính, nguồn vốn vật chất và nguồn vốn xã hội. Trước những tác động của BĐKH, người dân bước đầu đã có những hoạt động tự thích ứng trong các hoạt động sinh kế. Tuy nhiên, tác động của BĐKH đến từng loại hình sinh kế rất phức tạp khi vừa có các tác động tiêu cực (như ảnh hưởng đến sinh trưởng và chất lượng của cây trồng và vật nuôi, làm sạt lở mặt bằng kinh doanh...) nhưng cũng có tác động tích cực như (kéo dài mùa du lịch, gia tăng sản lượng mắm muối do nhiệt độ cao...).

        Chương 4: Giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của dân cư nông thôn vùng ven biển Nam Trung Bộ

        Từ các kết quả thu được, các tác giả đề xuất giải pháp chung về chính sách, kỹ thuật, tài chính, xã hội... và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng loại hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu đảm bảo sinh kế bền vững cho dân cư nông thôn vùng ven biển Nam Trung Bộ.

        Cuốn sách là tài liệu hữu ích phục vụ giảng dạy một số môn học/học phần liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu ở bậc đại học và sau đại học và là tài liệu tham khảo có ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu.

        Xin trân trọng giới thiệu./.

Mai Hải Linh