Tác giả: Trần Thị Tuyết (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2021
Số trang: 334
Lâm nghiệp là ngành kinh tế đặc thù, có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội và môi trường sinh thái. Việc gia tăng giá trị từ rừng góp phần quan trọng cho tiến trình nâng cao mức sống dân cư. Nhận thức rõ vai trò, xu thế của phát triển lâm nghiệp, Việt Nam đã sớm ban hành các văn bản hướng dẫn huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia quản lý bảo vệ phát triển rừng gắn với sinh kế bền vững và an ninh môi trường quốc gia; đồng thời lồng ghép cam kết quốc tế để từng bước hội nhập với nền lâm nghiệp thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, lâm nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức bởi sức ép từ quá trình tăng trưởng kinh tế - xã hội, gia tăng dân số; nhiều chính sách quản lý rừng còn thiếu tính khả thi, bất cập đã tạo áp lực cho công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân sống dựa vào rừng dẫn đến mức sống dân cư chưa được cải thiện nhiều như mục tiêu đặt ra, nhất là các địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn như tỉnh Quảng Bình là nơi chiếm gần 80% diện tích hành chính (626,8 nghìn héc ta) nhưng người dân chưa được hưởng lợi nhiều từ nghề rừng.
Góp phần có cái nhìn tổng quan về vấn đề nêu trên, cuốn sách là kết quả của đề tài cấp Bộ “Tác động của chính sách quản lý rừng đến mức sống dân cư nông thôn tỉnh Quảng Bình”. Nội dung cuốn sách đã đề cập đến những vấn đề chung về tác động của chính sách quản lý rừng (QLR) đến mức sống dân cư (MSDC) nông thôn; phân tích, đánh giá thực trạng tác động của chính sách QLR đến MSDC nông thôn tỉnh Quảng Bình; từ đó, đưa ra những quan điểm, giải pháp nhằm tăng cường việc thực hiện chính sách QLR nhằm nâng cao MSDC nông thôn tỉnh Quảng Bình. Các nội dung được cấu trúc thành 03 chương, cụ thể:
Chương 1: các vấn đề lý luận và thực tiễn về tác động của chính sách quản lý rừng đến mức sống dân cư nông thôn đã được tác giả làm rõ phù hợp với mục tiêu đặt ra. Theo đó: MSDC là phạm trù kinh tế xã hội, phản ánh mức độ đạt được các điều kiện hay yếu tố của đời sống dân cư; thể hiện được trình độ phát triển của lãnh thổ và cộng đồng với nhân tố tác động: chính sách phát triển; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; trình độ phát triển kinh tế xã hội; dân cư và chất lượng lao động; cơ sở hạ tầng và tác động của thị trường. Chính sách QLR là tập hợp các biện pháp quản lý được thể chế hóa của Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu QLR bền vững gắn với cải thiện sinh kế người dân và an ninh môi trường quốc gia. Tiêu chí đo lường chủ yếu có liên quan đến tác động của chính sách QLR, gồm: tiêu chí kinh tế (tập trung phân tích tiêu chí thu nhập); tiêu chí phi kinh tế (tập trung phân tích khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản). Ngoài ra, nhóm tác giả còn phân tích các kinh nghiệm về tác động của chính sách quản lý rừng đến mức sống dân cư nông thôn ở trong nước, ngoài nước; từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm phù hợp.
Chương 2: tập trung vào nghiên cứu thực trạng và tác động của chính sách quản lý rừng đến mức sống dân cư nông thôn tỉnh Quảng Bình. Qua đó, cung cấp bức tranh khá tổng thể về hệ thống chính sách quản lý rừng của Việt Nam, như: Luật bảo vệ, phát triển rừng; Luật lâm nghiệp; Luật đất đai…; trên cơ sở khung chính sách mang tính định hướng của Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo, điều hành thực hiện các chính sách, pháp luật về QLR, trong đó có thực hiện chủ trương giao đất giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng gắn thực hiện chính sách giao đất giao rừng với các chính sách hỗ trợ giúp người dân, cộng đồng và các tổ chức tiếp cận nhiều hơn đến quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai và sản phẩm rừng. Hệ thống tổ chức quản lý rừng ở tỉnh Quảng Bình được phân cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã. Chính sách quản lý rừng đã tác động khá rõ đến mức độ che phủ rừng, chất lượng rừng và mức sống dân cư. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những bất cập, hạn chế và khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu của chính sách quản lý rừng liên quan đến cải thiện mức sống dân cư nông thôn tại tỉnh.
Chương 3: tập trung đưa ra một số giải pháp hoàn thiện việc thực hiện chính sách quản lý rừng nhằm nâng cao mức sống dân cư nông thôn tỉnh Quảng Bình theo quan điểm phát triển bền vững rừng, tái cơ cấu lâm nghiệp, thúc đẩy kinh tế hợp tác cần có những điều chỉnh toàn diện về định hướng phát triển ngành nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện huy động năng lực tổng hợp của toàn xã hội để đẩy nhanh tốc độ gia tăng giá trị hàng hóa lâm sản, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Các giải pháp được khuyến nghị tập trung vào một số vấn đề sau:
(i) Cần có nhận thức và thực thi hiệu quả các chính sách lâm nghiệp phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội và ngành lâm nghiệp của địa phương;
(ii) Tăng cường năng lực của các tổ chức quản lý, chủ thể trong hoạt động QLR;
(iii) Thúc đẩy tính hiệu quả của công tác giao đất giao rừng trên cơ sở tích hợp các thành tựu khoa học công nghệ nhằm đảm bảo tính xác thực của dữ liệu, tính hệ thống, tính cập nhật; từ đó, trở thành cơ sở dữ liệu để triển khai các đề án, chương trình, công cụ thu được giá trị từ dịch vụ môi trường rừng, công cụ bảo hiểm, cảnh báo thiên tai. Đây là cơ chế và phương tiện giúp nông dân ứng phó với biến động về năng suất trước tác động của các yếu tố tự nhiên, ngoài tầm kiểm soát của con người; đồng thời giúp duy trì và phục hồi các phương tiện sinh kế, nhất là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ. Bảo đảm đa dạng nguồn thu nhập của người dân; khai thác gắn với bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái được xem là những nhân tố quan trọng nhằm thực thi hiệu quả các chính sách QLR theo hướng bền vững; đồng thời, cải thiện được MSDC, thực hiện tốt chủ trương “lấy rừng nuôi rừng” là cách thức tích cực nhất trong điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến rừng;
(iv) Chú trọng các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế liên kết nhằm tích tụ đất lâm nghiệp, củng cố chuỗi giá trị, nâng cao giá trị, năng suất trên 1ha rừng;
(v) Đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học công nghệ, đây được xem là khâu then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, phát huy tối đa những lợi ích của nghề rừng theo hướng thị trường;
(vi) Tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền phù hợp với bối cảnh địa phương, trong đó ưu tiên các hình thức trực quan trong nhân rộng các mô hình nhằm đảm bảo tính liên kết, tính lan tỏa trong chuỗi giá trị hàng hóa.
Với những nội dung nghiên cứu trên, hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu về chính sách phát triển rừng trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.
Xin trân trọng giới thiệu./.
Nguyễn Thị Ngọc