Tác giả: Viện Địa lí nhân văn
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2021
Số trang: 485
Việt Nam là một quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài trên 3.260 km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2 (gấp hơn 3 lần diện tích lãnh thổ trên đất liền); có hơn 50% dân số sinh sống tại 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như: giao thông vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; phát triển du lịch biển; năng lượng tái tạo... “Đối với nước ta, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam. Các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới”. Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển ở nước ta còn nhiều hạn chế, đối mặt với nhiều thách thức trước mắt và cả lâu dài. Nghị quyết số 36 - NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nhằm giải quyết các thách thức trong phát triển kinh tế biển hiện nay với mục tiêu tổng quát: "Đưa Việt Nam thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở biển và xâm thực biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững”
Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mở ra triển vọng về giai đoạn phát triển mới cho nền kinh tế nước ta hướng ra biển và làm giàu từ biển. Để thực hiện thành công chiến lược này, khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng, phải đi trước một bước, phát hiện các vấn đề, tìm kiếm giải pháp đổi mới, xây dựng mô hình thí điểm và áp dụng vào thực tiễn.
Ở Việt Nam, ngay từ khi ra đời, Địa lí nhân văn đã lấy con đường phát triển gắn với các nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước, tham gia tích cực trong giải quyết các vấn đề phát triển từ phạm vi quốc gia, vùng và địa phương, cho đến các vấn đề phát triển từng ngành và lĩnh vực (tổ chức phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, phát triển nông thôn, đô thị hóa, xóa đói giảm nghèo, sinh thái nhân văn và môi trường…). Trong những năm gần đây, khoa học Địa lí nhân văn cũng tham gia vào nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giải quyết các thách thức lớn đối với phát triển trong bối cảnh mới của đất nước như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, suy thoái môi trường, khai thác và quản lý hiệu quả tài nguyên, toàn cầu hóa, địa chính trị, phát triển kinh tế xanh... Có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn vừa qua, các nhà địa lí Việt Nam đã trở thành một lực lượng quan trọng cùng với các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác, xây dựng các chiến lược phát triển và tham gia vào quy hoạch không gian vùng, địa phương và quốc gia. Các nhà địa lí nhân văn đã có ảnh hưởng đáng kể lên quá trình ra các quyết định và quá trình phát triển ở các cấp độ vĩ mô và vi mô. Những đóng góp, kết quả nghiên cứu của các nhà địa lí nhân văn đã thu hút sự chú ý của những nhà hoạch định chính sách và được áp dụng vào thực tiễn.
Như đã đề cập ở trên, chiến lược phát triển của khoa học Địa lí nhân văn Việt Nam được dẫn dắt bởi các nhu cầu phát triển quốc gia, hướng dẫn kết quả đầu ra cho các nghiên cứu khoa học; các kết quả nghiên cứu trong khoa học Địa lí nhân văn Việt Nam không chỉ là giải quyết vấn đề khoa học thuộc riêng lĩnh vực địa lí mà còn trực tiếp áp dụng cho phát triển bền vững địa phương, vùng và quốc gia. Hiện nay, các nỗ lực hiện đại hoá và đổi mới về phương pháp luận, phương pháp và công cụ nghiên cứu mới như mô hình hóa, mô phỏng dựa vào chương trình tính toán hiện đại, các công cụ hỗ trợ phân tích và quyết định không gian, công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lí, phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo... đủ để các nhà khoa học địa lí nhân văn giải quyết các vấn đề nghiên cứu mới trong khoa học Địa lí nhân văn và tập trung vào nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn trong quá trình phát triển đất nước như phát triển bền vững kinh tế biển.
Với những lợi thế về cách tiếp cận tổng hợp, tư duy hệ thống và liên ngành khoa học Địa lí nhân văn có thể cung cấp luận cứ khoa học cho việc giải quyết hầu hết các vấn đề trong Chiến lược phát triển kinh tế biển một cách toàn diện, từ điều tra, đánh giá tiềm năng, cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu cũng như các giải pháp cho phát triển các ngành kinh tế biển, quy hoạch không gian biển, phát triển đô thị biển, đô thị cảng biển, cho tới cơ hội đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên biển… Những vấn đề, thách thức trong phát triển kinh tế biển quốc gia hiện nay vừa là cơ hội để khoa học Địa lí nhân văn Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của đất nước, vừa là cơ hội để phát triển ngành.
Cuốn kỷ yếu Hội thảo tập hợp 38 bài tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các ngành Địa lí học, Kinh tế học, Văn hóa học, Chính trị học, Quốc tế học, khoa học nhân văn, khoa học kỹ thuật trên toàn quốc thuộc các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, kể cả các cơ quan nghiên cứu trong Quân đội. Cuốn kỷ yếu là sản phẩm khoa học của Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Khoa học Địa lí nhân văn với việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển" do Viện Địa lí nhân văn phối hợp với Hội Địa lý Việt Nam tổ chức. Hội thảo này nhằm khẳng định vai trò và sự đóng góp quan trọng của các nhà nghiên cứu địa lí nhân văn trong thực hiện Chiến lược biển Quốc gia đến năm 2030 thông qua nhận diện các vấn đề, thách thức trong phát triển kinh tế biển và các giải pháp giải quyết những thách thức này dưới cách tiếp cận khoa học địa lí.
Cuốn kỷ yếu Hội thảo tập trung vào các chủ đề: Địa lí kinh tế và chính trị, địa lí văn hóa, địa lí sinh thái và môi trường, địa lí dân cư với 5 nội dung chính sau:
Nội dung 1. Luận cứ khoa học phát triển bền vững kinh tế biển: Nhận thức, quan điểm mới trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển kinh tế biển; Những vấn đề lý luận mới về phát triển bền vững kinh tế biển, đảo trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, chuyển đổi số và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn về biển và đại dương; đảm bảo an ninh quốc phòng trong bối cảnh mới; Những vấn đề lý luận về phát triển kinh tế biển, đảo gắn với khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển và thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực trạng phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng ở cấp vùng và các địa phương; Vấn đề đảm bảo an ninh, quốc phòng trên biển và đảo; Các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển;
Nội dung 2. Tổ chức không gian phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển: Quy hoạch biển, đảo, khu kinh tế ven biển; Quy hoạch ngành kinh tế biển; Đô thị biển và phát triển bền vững - những thách thức và giải pháp trong định hướng quy hoạch, quản lý; Thực trạng phát triển chuỗi đô thị biển ở Việt Nam.
Nội dung 3. Các vấn đề môi trường biển: Tác động môi trường do các hoạt động phát triển kinh tế xã hội vùng biển đảo; Những vấn đề môi trường trong các dự án lấn biển; nhận chìm rác thải trên biển; Vấn đề quản lý rác thải đại dương; Vấn đề rác thải nhựa ven biển và ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, đảo.
Nội dung 4. Văn hóa, con người phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển: Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá biển của ngư dân ven biển; Vấn đề phát triển kinh tế biển gắn với cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư ven biển và đảo; Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; Vấn đề giáo dục, tuyên truyền và xây dựng văn hóa biển, đảo ở phạm vi quốc gia, vùng và địa phương.
Nội dung 5. Phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển: Khai thác tiềm năng biển, đảo gắn với phát triển ngành du lịch và dịch vụ biển, đảo bền vững; Phát triển ngành công nghiệp biển: hệ thống cảng biển, phát triển ngành vận tải biển, dịch vụ hậu cần, logistic; khai thác dầu khí và khoáng sản biển; Khai thác tiềm năng biển trong lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản ở phạm vi quốc gia và các vùng kinh tế; Phát triển năng lượng tái tạo biển, đảo… Thực trạng phát triển các khu kinh tế ven biển; Liên kết vùng trong phát triển bền vững kinh tế biển: ven biển - hải đảo, đất liền - hải đảo, các vùng hải đảo, các vùng ven biển.
Với những nội dung nghiên cứu trên, hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu về chính sách phát triển kinh tế biển trước thách thức của biến đổi khí hậu như hiện nay.
Xin trân trọng giới thiệu./.
Nguyễn Thị Ngọc