Tác giả: Nguyễn Song Tùng (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2021
Số trang: 412
Đất ngập nước (ĐNN) là một hệ sinh thái phong phú, đóng góp nhiều giá trị và là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây các hoạt động phát triển kinh tế xã hội đã gây ra những tác động và ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng và bảo tồn ĐNN. Hiện nay, trong bối cảnh các hoạt động phát triển kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, các vùng ĐNN đang chịu sức ép rất lớn bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng như các tác động của biến đổi khí hậu.
Vùng ven biển đồng bằng sông Hồng bao gồm 5 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình với tổng diện tích 12.381,7km2, chiếm 58,2% diện tích của vùng đồng bằng sông Hồng và chiếm 3,7% diện tích của cả nước, cung cấp tài nguyên và những giá trị gián tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng cũng như của cả nước.
Cuốn sách “Quản lý đất ngập nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng” là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ do TS. Nguyễn Song Tùng làm chủ nhiệm, Viện Địa lí nhân văn là đơn vị chủ trì, thực hiện trong giai đoạn 2019-2020.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 3 chương như sau: Chương 1: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về quản lý ĐNN gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển; Chương 2: Thực trạng quản lý ĐNN và mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng; Chương 3: Giải pháp tăng cường quản lý ĐNN gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng.
Tại chương 1, những vấn đề tổng quan về ĐNN, cơ sở pháp lý về đất ngập nước đã được tác giả trình bày rất cụ thể. Qua đó, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn các khái niệm về ĐNN, ĐNN vùng ven biển, quản lý ĐNN; vai trò của ĐNN vùng ven biển đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển; các vấn đề về quản lý ĐNN gắn với phát triển kinh tế - xã hội như: chủ thể quản lý, đối tượng và mục tiêu quản lý, các nội dung, nguyên tắc quản lý, các công cụ quản lý, các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý đất ngập nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Đặc biệt, tác giả đã phân tích được kinh nghiệm thực tiễn về quản lý ĐNN vùng ven biển của một số quốc gia trên thế giới và ở các địa phương của Việt Nam qua các mô hình quản lý ĐNN dựa vào hệ sinh thái, quản lý ĐNN có sự tham gia của cộng đồng. Trên cơ sở đó, tác giả đã rút ra được bài học kinh nghiệm cho quản lý ĐNN vùng ven biển đồng bằng sông Hồng.
Chương 2, cuốn sách đã phân tích được thực trạng quản lý ĐNN và mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng, trong đó tập trung nghiên cứu ba loại hình ĐNN điển hình đó là: đất trồng lúa nước, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, cuốn sách đã làm rõ các văn bản chính sách, hệ thống tổ chức quản lý đất ngập nước, vai trò của các tổ chức liên quan trực tiếp và gián tiếp trong quản lý và sử dụng các vùng ĐNN, việc thực thi các công cụ quản lý đất ngập nước tại vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, những tác động của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội đến quản lý ĐNN vùng ven biển đồng bằng sông Hồng cũng được cuốn sách thể hiện rõ. Từ kết quả phân tích thực trạng trên cho thấy, ĐNN vùng ven biển có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng, công tác quản lý ĐNN trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng kể góp phần vào việc bảo tồn, phát triển các vùng ĐNN và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng ven biển đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, công tác quản lý ĐNN gắn với phát triển kinh tế xã hội của vùng còn có những hạn chế, bất cập như: Sự thiếu rõ ràng về quyền hạn, vai trò, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về ĐNN; Các quy định liên quan đến ĐNN nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật; Hạn chế về nguồn lực phục vụ công tác quản lý ĐNN; Nhận thức về tầm quan trọng của quản lý, bảo tồn ĐNN còn hạn chế.
Chương 3, cuốn sách tập trung đưa ra một số giải pháp tăng cường quản lý ĐNN nước gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng, bao gồm nhóm giải pháp tổng thể và các giải pháp cụ thể đối với các loại hình ĐNN gắn với phát triển kinh tế- xã hội như: (1) Giải pháp về chính sách: Hoàn thiện hành lang pháp lý và thống nhất đầu mối quản lý ĐNN; Tăng cường năng lực quản lý và nguồn lực cho quản lý ĐNN...; (2) Giải pháp kỹ thuật: Hoàn thiện công tác kiểm kê đánh giá toàn diện về thực trạng và tiềm năng, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất ngập nước; Thúc đẩy quản lý và sử dụng khôn khéo các vùng ĐNN...; (3) Giải pháp quản lý đất trồng lúa nước: cần duy trì ổn định diện tích ĐNN trồng lúa; Hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn theo hướng sản xuất hàng hóa với những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao...; (4) Giải pháp quản lý đối với đất nuôi trồng thủy sản: Nghiên cứu các giải pháp chính sách và quản lý phù hợp nhằm khuyến khích và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản ở những diện tích ĐNN thích hợp; Áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong tạo giống, kỹ thuật ao nuôi...; (5) Giải pháp đối với rừng ngập mặn: Cần đẩy mạnh nghiên cứu các vùng rừng ngập mặn có thể qui hoạch thành các khu rừng đặc dụng hoặc các khu bảo tồn thiên nhiên để đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng; Nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học những diện tích RNM có thể sử dụng cho nuôi trồng thủy sản để quá trình chuyển đổi không ảnh hưởng đến các giá trị vốn có của hệ sinh thái ĐNN...
Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà tư vấn chính sách, các nhà quản lý, nhà khoa học, các giảng viên và sinh viên của các ngành học có liên quan đến đất ngập nước và quản lý đất ngập nước.
Xin trân trọng giới thiệu./.
Mai Hải Linh