... 02/01/2017

1. Quan điểm phát triển

        Một là, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời tiếp thu và vận dụng sáng tạo tinh hoa trí tuệ và tri thức của nhân loại trong việc nghiên cứu và giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước hiện nay.

         Hai là, lấy thực tiễn và nhu cầu phát triển đất nước đặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế làm đối tượng nghiên cứu quan trọng nhất của Viện Địa lí nhân văn.

         Ba là, Chiến lược phát triển Viện Địa lí nhân văn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là một bộ phận cấu thành trong Chiến lược phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; trước hết là tăng cường năng lực nội sinh của Viện.

        Bốn là, đẩy mạnh đổi mới, thực hành dân chủ rộng rãi, phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu khoa học phát huy và cống hiến khả năng, trí tuệ và nhiệt huyết, góp phần phát triển mạnh mẽ ngành khoa học Địa lí nhân văn cả về số lượng và chất lượng.

 

2. Mục tiêu chiến lược

         Chiến lược phát triển Viện Địa lí nhân văn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tập trung vào các mục tiêu cơ bản sau đây:

      Một là, phát triển Viện Địa lí nhân văn trở thành một trung tâm quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách về Địa lí nhân văn, có những đóng góp thực sự quan trọng trong việc cung cấp căn cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề địa lí chính trị xã hội, kinh tế, dân cư, môi trường và phát triển bền vững, các vấn đề về biển đảo và chủ quyền lãnh thổ; có mối liên kết và có uy tín với các tổ chức nghiên cứu và đào tạo về địa lí nhân văn trong nước và quốc tế; có cơ sở vật chất và môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.

        Hai là, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Viện Địa lí nhân văn cả về số lượng và chất lượng, xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, các nhà khoa học kế cận có triển vọng, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ khoa học quan trọng, tham gia có hiệu quả vào hợp tác và hội nhập quốc tế.

     Ba là, công bố những công trình nghiên cứu trọng điểm có giá trị cao để khẳng định vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Viện đối với đời sống khoa học nước nhà, được sử dụng vào các hoạt động lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển kho tàng trí tuệ của khoa học địa lí nhân văn Việt Nam.

 

3. Một số khâu đột phá chiến lược

        Trong giai đoạn 2016–2020, Viện Địa lí nhân văn tập trung thực hiện các khâu đột phá chiến lược sau đây:

        Thứ nhất, phát triển đồng bộ tiềm lực khoa học của viện một cách vững mạnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu và quản lý khoa học có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực khoa học địa lí nhân văn.

      Thứ hai, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại phục vụ nghiên cứu, đào tạo, tham mưu và tư vấn chính sách; trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống thông tin - thư viện, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của Viện theo hướng hiện đại.

     Thứ ba, đổi mới căn bản cơ chế quản lý khoa học nhằm phát huy tính dân chủ, tự chủ và sáng tạo của các nhà khoa học, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tổ chức và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học.

     Thứ tư, tăng cường và mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm quảng bá những thành tựu nghiên cứu của Viện; đồng thời, chọn lọc và tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của khoa học địa lí nhân văn của cộng đồng thế giới để phát triển hơn nữa ngành Khoa học Địa lí nhân văn nước nhà.

       Thứ năm, xây dựng và thực thi về chính sách cán bộ đúng đắn, chú trọng đào tạo lực lượng chuyên gia và cán bộ kế cận, thu hút các nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước, nhằm phát triển đội ngũ cán bộ khoa học Địa lí nhân văn hùng hậu cả về số lượng  chất lượng, đủ sức giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, đồng thời hướng tới việc sáng tạo những công trình khoa học đạt chuẩn quốc gia, khu vực và thế giới./