KHẢ NĂNG TIẾP CẬN DỊCH VỤ GIÁO DỤC, Y TẾ VÀ HẠ TẦNG XÃ HỘI TẠI HUYỆN TIÊN YÊN, TỈNH QUẢNG NINH: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (27/09/2024)
Huyện Tiên Yên nằm ở khu vực đông bắc tỉnh Quảng Ninh, được biết đến với sự đa dạng địa hình kết hợp giữa miền núi và ven biển, tạo nên những tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế và hạ tầng xã hội cho toàn bộ người dân, đặc biệt là ở các khu vực xa xôi hẻo lánh. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội ngày càng đòi hỏi phải gắn kết chặt chẽ với việc nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội, việc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ này trở thành yêu cầu cấp bách để giảm thiểu bất bình đẳng giữa các vùng và thúc đẩy phát triển bền vững.
KINH NGHIỆM TỪ QUẢNG BÌNH TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI BẢO TỒN DI SẢN THIÊN NHIÊN (28/08/2024)
Quảng Bình, một tỉnh nằm ở miền Trung Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh tự nhiên hùng vĩ mà còn được biết đến như một trong những địa phương dẫn đầu trong việc phát triển du lịch bền vững, đặc biệt tại Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Với hệ thống hang động độc đáo, thảm thực vật phong phú, và cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, Phong Nha - Kẻ Bàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch không thể tách rời khỏi các thách thức về bảo tồn môi trường và duy trì các giá trị tự nhiên của di sản.
Một số kết quả nổi bật của Đảng uỷ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI (29/12/2023)
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24); Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Kết luận 56), Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, lãnh đạo và cấp ủy các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động; cụ thể hóa Nghị quyết và Kết luận trong các hoạt động khoa học theo chức năng, nhiệm vụ.
VAI TRÒ CỦA CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU UNESCO TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (05/12/2023)
Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) là các khu vực địa lý thống nhất và đơn nhất, nơi các địa điểm và cảnh quan có ý nghĩa địa chất quốc tế được quản lý với khái niệm tổng thể về bảo vệ, giáo dục và phát triển bền vững. CVĐCTC sử dụng di sản địa chất trong mối liên hệ với tất cả các khía cạnh khác của di sản văn hóa và thiên nhiên của khu vực để nâng cao nhận thức và hiểu biết về các vấn đề chính mà xã hội đang phải đối mặt. Bằng cách nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản địa chất của khu vực trong lịch sử và xã hội ngày nay, CVĐCTC có thể đạt được sự cân bằng hài hòa hơn giữa môi trường và hoạt động của con người. Nhận diện và phát huy vai trò của CVĐCTC có ý quan trọng trong phát triển bền vững. Bằng phương pháp tổng quan, phân tích tài liệu, bài viết sẽ tập trung làm rõ khái niệm CVĐCTC, ý nghĩa và vai trò của nó trong phát triển bền vững.
ỨNG DỤNG CHỈ SỐ KHÔ HẠN NHIỆT ĐỘ - THỰC VẬT (TDVI) NGHIÊN CỨU HẠN HÁN TẠI TỈNH NINH THUẬN (28/11/2023)
Hạn hán là một hiện tượng tự nhiên được coi là thiên tai khi thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng trong thời gian kéo dài, làm giảm lượng ẩm trong đất và suy kiệt dòng chảy bề mặt, hạ thấp mực nước ngầm gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của sinh vật. Hạn hán được đánh giá là một trong ba loại thiên tai gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng con người. Ở Việt Nam, hạn hán xảy ra ở khắp cả nước với cường độ và thời gian khác nhau nhưng ở khu vực miền Trung và Tây nguyên hạn hán xảy ra đặc biệt nghiêm trọng gây ra những thiệt hại to lớn đối với kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Trên thực tế hạn hán thường xảy ra trên diện rộng nên việc quan trắc bằng các phương pháp truyền thống rất khó khăn, đặc biệt ở các nước đang phát triển với những hạn chế trong việc đầu tư cho hệ thống quan trắc, thu thập các tham số môi trường nên khả năng dự báo với độ chính xác chưa cao, gây nên nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
Bảo tồn Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang ở Lào Cai để phát triển du lịch (19/10/2023)
Ruộng bậc thang là một sự sáng tạo trong quá trình canh tác nông nghiệp của người dân vùng núi ở Lào Cai. Ruộng bậc thang thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội, giá trị vật chất và các giá trị tinh thần, được sáng tạo và tích lũy qua quá trình sinh tồn, là kết quả của sự tương tác lâu dài giữa cộng đồng các dân tộc sinh sống ở nơi đây với môi trường tự nhiên. Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang ở Sa Pa nằm trong top 7 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới và top 30 địa điểm đẹp nhất thế giới. Đây là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế khi tới thăm vùng núi phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, những di tích danh thắng này đang đứng trước những thách thức rất lớn trong công tác bảo tồn. Diện tích ruộng bậc thang đang ngày càng bị thu hẹp do nhiều hộ gia đình tự ý san gạt, dựng nhà trái phép trong khu vực di tích. Giải pháp đưa ra là cần có chế tài xử phạt cụ thể đối với những trường hợp cố ý xâm phạm và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nắm bắt tình hình hoạt động tại các địa phương có ruộng bậc thang. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn xã hội chung tay bảo tồn và phát triển di tích danh thắng quốc gia này.
VIỆC LÀM GẮN VỚI PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO Ở TỈNH NINH THUẬN (11/10/2023)
Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở tỉnh Ninh Thuận được xem là giải pháp tạo đột phá trên cơ sở tận dụng tối đa giá trị tài nguyên hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, tạo động lực cho phát triển lãnh thổ; cùng với đó là sự gia tăng các cơ hội việc làm, chuyển đổi việc làm của dân cư Ninh Thuận. Nghiên cứu này, tập trung làm rõ một số vấn đề về phát triển NLTT, cơ hội việc làm gắn với NLTT trên cơ sở tư liệu tổng hợp từ điều tra xã hội học và các cơ quan quản lý Nhà nước; theo đó, để nâng cao khả năng tiếp cận cơ hội việc làm, chuyển đổi nghề đòi hỏi Ninh Thuận phải có các chính sách phát triển mang tính tổng thể, đa dạng các loại hình phát triển công nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm, kết hợp với phát triển nguồn nhân lực có tính chủ động, phù hợp với năng lực địa phương.
DI DÂN RA ĐẢO CỒN CỎ, TỈNH QUẢNG TRỊ: KẾT QUẢ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM (13/09/2023)
Di dân ra đảo là một trong những chủ trương chính sách quan trọng trên các phương diện phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường - sinh thái và giữ vững quốc phòng - an ninh, đóng góp vào sự phát triển bền vững không gian biển đảo của Việt Nam. Công tác này đã và đang nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các bộ ngành và chính quyền các cấp, đồng thời thu hút sự ủng hộ, tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tại các địa phương ven biển. Trong số 12 huyện đảo của cả nước, Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị là địa phương triển khai công tác di dân ra đảo và đã đạt được một số kết quả nhất định. Bài viết này phân tích thực trạng di dân ra đảo tại huyện Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị và rút ra một số bài học kinh nghiệm về công tác di dân ra đảo tại Việt Nam trong thời gian tới.